Chính sách an sinh xã hội

Bảo đảm bình đẳng về quyền tiếp cận

- Chủ Nhật, 13/10/2019, 09:09 - Chia sẻ
Trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH), nhằm góp phần phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh các thiết chế được xây dựng để thực hiện các chính sách xã hội, chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức đòi hỏi phải có những đổi mới mang tính đột phá để bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội cho người dân

Nền tảng quan trọng

Chia sẻ về thành tựu 10 năm triển khai thực hiện các chính sách ASXH và những bài học kinh nghiệm tại Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Quang Vinh cho rằng, hiện nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống ASXH tương đối toàn diện, đa dạng và hiệu quả. Trong đó, có 4 kết quả quan trọng như tăng cơ hội việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro thông qua các khoản trợ giúp từ ngân sách. Đặc biệt, tăng cơ hội tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin…

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Mục đích nhằm phân tích, đánh giá rõ những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện thắng lợi nghị quyết và định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030.

Là cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 -2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ đã tạo nền tảng quan trọng góp phần định hướng và xây dựng hệ thống an sinh xã hội vững chắc, trong đó, coi đầu tư cho trợ giúp xã hội là đầu tư cho tăng trưởng bền vững và giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Chính vì vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 xuống còn 5,35% năm 2018, dự kiến giảm xuống 4,35% năm 2019 và đến cuối năm 2020 còn 3,35%.

Đại diện tỉnh Hà Giang cho biết, từ năm 2012 đến nay, Trung ương đã có nhiều chính sách áp dụng cho miền núi, vùng cao, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, các chính sách đã bao trùm trên nhiều ngành, lĩnh vực và các vấn đề của đời sống xã hội. Các chính sách đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân ngày càng được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ cơ bản xã hội.

Nhiều chính sách nhưng chưa đồng bộ

Phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI đã đem lại những tín hiệu tích cực bảo đảm quyền tiếp cận an sinh xã hội tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, nhiều chính sách chồng chéo, chưa thích hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn cho người dân từ nhiều nguồn, nhiều cấp, hỗ trợ không đồng bộ dẫn đến có hộ, có nơi lại được thụ hưởng nhiều chính sách. Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo dẫn đến tình trạng nhân dân trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Nguyên nhân của những hạn chế trên do khung khổ pháp lý về an sinh xã hội chưa hoàn thiện, chưa bắt kịp những xu hướng phát triển mới và yêu cầu của cuộc sống và chất lượng một số chính sách còn hạn chế nên không triển khai được trong thực tiễn. Do vậy, dù đã có nhiều giải pháp nhưng đến nay, phạm vi bao phủ của an sinh xã hội còn hẹp, tốc độ mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội còn chưa nhiều.

Thực tế cho thấy, mục tiêu ASXH toàn dân vẫn còn nhiều thách thức, một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, như: Tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm không bền vững còn cao; giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội chưa tương xứng tiềm năng; mức trợ cấp tiền mặt hằng tháng cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn khiêm tốn; chất lượng một số dịch vụ xã hội thiết yếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Không những thế, hệ thống và các chính sách ASXH của Việt Nam đang đứng trước những thách thức như phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi phải nâng cao tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn nghề nghiệp…

Để có thể đạt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được hệ thống an sinh xã hội theo hướng tiếp cận “Không ai bị bỏ lại phía sau” cần phát triển chính sách an sinh xã hội với cách tiếp cận bảo đảm công bằng. Thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh toàn dân theo hướng linh hoạt, đa tầng, đa dạng, cung cấp các dịch vụ xã hội toàn diện, có chất lượng cao, công bằng, bao trùm.

Ngân Anh