Giáo dục nghề nghiệp

Bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực

- Thứ Ba, 29/09/2020, 08:41 - Chia sẻ
Phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Do đó, thời gian tới, cần đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…

Chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng mới đây, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 2016 - 2020, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng với nỗ lực của toàn hệ thống đã đạt được một số kết quả góp phần hoàn thành chỉ tiêu chung của cả giai đoạn.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN đã có những chuyển biến tích cực. Tuyển sinh GDNN đã thay đổi rõ nét, các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo được tăng cường, nhiều nội dung, hoạt động có đổi mới và chuyển động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Công tác rà soát, sắp xếp và quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được triển khai theo đúng lộ trình, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đến hết quý II, cả nước đã giảm 80 (4%) cơ sở GDNN công lập so với năm 2017 (bảo đảm mục tiêu theo Nghị quyết 19-NQ/TW). Cụ thể, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN (399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm GDNN), trong đó có 680 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,5%). Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN tiếp tục được củng cố và tăng cường (xây dựng và ban hành các chuẩn trong GDNN; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn; cơ sở vật chất thiết bị được đầu tư...).

Tuy nhiên, việc tuyển sinh GDNN năm 2020 gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, sự giảm mạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh (giải thể hoặc tạm đóng cửa); tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học vào học GDNN vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra… Vì vậy, năm 2020 phấn đấu tuyển sinh chỉ đạt kế hoạch được giao.

Những khó khăn trong GDNN được Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng bổ sung: Mạng lưới cơ sở GDNN tuy đã phát triển nhưng còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, tập trung ở khu vực đô thị. Việc sắp xếp các cơ sở GDNN ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn mang tính cơ học nên ảnh hưởng đến hiệu quả của một số cơ sở GDNN đang hoạt động tốt. Chưa hình thành được trường cao đẳng chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực, quốc tế và một số trường nghề được các nước tiên tiến trên thế giới công nhận. Đồng thời, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về GDNN trong thời gian tới  

Nguồn: ITN 

Yêu cầu ngày càng cao

Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, lĩnh vực GDNN đối diện với yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, các hiệp định thương mại của thế hệ mới, dịch Covid-19 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế... Trong bối cảnh đó, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mục tiêu đặt ra là tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giai đoạn 2021- 2025, quy mô tuyển sinh được đặt ra tăng gấp đôi so với hiện nay, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tăng 1,5 lần; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác tăng hơn 2 lần. Chú trọng tuyển sinh các ngành nghề đáp ứng các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm quốc gia. Phấn đấu có 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Theo đó, phấn đấu năm 2021 tuyển sinh 3,1 triệu người, trong đó: cao đẳng 200 nghìn người, trung cấp 340 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 2triệu 500 nghìn người (1 triệu 500 nghìn lao động nông thôn 200 nghìn người dân tộc thiểu số và 30 nghìn người khuyết tật).

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN. Bên cạnh đó, xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu đào tạo, dự báo nguồn nhân lực. Đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong đào tạo, mô phỏng hóa hệ thống học liệu; đào tạo theo tiếp cận năng lực...

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng quan tâm, đề xuất ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực GDNN trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt tại các chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đưa vào chương trình giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách phát triển GDNN…

Box: Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai Luật GDNN; kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống quản lý nhà nước về GDNN từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm thông suốt, gắn kết; rà soát, điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn, kỹ năng nghề nghiệp theo khung trình độ quốc gia, theo hướng xây dựng tiêu chuẩn năng lực cho các ngành nghề đào tạo; hướng dẫn thực hiện miễn giảm thuế với các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thực hiện, đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19; rà soát chính sách về tài chính GDNN, đẩy mạnh hợp tác công tư trong GDNN... Năm 2021, Ủy ban dự kiến sẽ khảo sát về việc bảo đảm chất lượng GDNN.

Thảo Nguyên