Bảo đảm chất lượng và năng suất lao động

- Thứ Ba, 15/10/2019, 07:54 - Chia sẻ
Thời kỳ dân số vàng tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2041, do đó, để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm phù hợp với sức khỏe, thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng như giảm áp lực cân đối tài chính quỹ hưu trí - tử tuất, theo các chuyên gia, các điều khoản trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần bảo đảm nâng cao chất lượng và năng suất lao động.

Tận dụng thời kỳ dân số vàng

Theo chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Lê Thị Phương Mai, theo kết quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, hết quý III.2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 55,7 triệu người; lao động từ 15 - 59 tuổi đạt 49,1 triệu người, chiếm 88,2% lực lượng lao động. Như vậy, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tức là giai đoạn lực lượng lao động trẻ tăng mạnh, tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi chiếm dưới 30%; tỷ lệ dân số 65 tuổi trở lên chiếm dưới 15%. Cơ hội dân số vàng chỉ xảy ra một lần trong lịch sử và dân số vàng tại Việt Nam xảy ra trong giai đoạn 2009 - 2041.

“Đây là một cơ hội tiềm tàng, có tác động đến thành công hoặc thất bại trong tăng trưởng, phát triển kinh tế của một quốc gia. Cơ hội dân số vàng chỉ có thể trở thành hiện thực, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế khi một nước có các chính sách kinh tế, giáo dục, y tế và quản trị tốt” - bà Mai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ dồi dào và ngày càng tăng, nhưng trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng cho định hướng phát triển của đất nước. Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Quang Vinh cũng nhận định, việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn hiện nay giảm rất chậm. Theo đó, trong 10 năm nhưng chỉ giảm được 3%, tức là trong suốt một thời gian dài chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm nghề không nhiều, nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ.

“Nếu so sánh với một số nước trong khu vực, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam có vẻ “tiến bộ” nhưng vấn đề chất lượng, bằng cấp của lao động khi vào làm việc vẫn là điều đáng lo ngại. Đáng chú ý, hầu hết lao động được tuyển dụng vào làm vẫn phải đào tạo lại, thậm chí rất nhiều người phải làm trái ngành nghề do đào tạo trái với nhu cầu của thị trường. Trình độ thực sự với bằng cấp vẫn có khoảng cách và đây là xu hướng ngược ở Việt Nam” - ông Vinh nhận định.


Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần bảo đảm nâng cao chất lượng lao động và năng suất lao động
Nguồn: ITN

Duy trì lực lượng lao động

Chia sẻ tại Hội thảo Xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ góc nhìn các vấn đề dân số và bình đẳng giới được tổ chức mới đây, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, dân số cao tuổi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số; cùng đó tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn 2,1 trong vòng 40 năm tới. Tuy nhiên, cũng báo động về thiếu hụt lao động trong tương lai, bởi số lao động tăng trung bình mỗi năm có xu hướng giảm dần. Cụ thể, giai đoạn 2000 - 2005 là 1,2 triệu lao động thì đến năm 2014 - 2019 chỉ còn 400.000 lao động.

Theo các chuyên gia, già hóa dân số sẽ dẫn đến thách thức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, bởi nếu năm 2019, số người tham gia BHXH chiếm khoảng 30% lực lượng lao động, 70% lao động còn lại trong lực lượng lao động khó có cơ hội được hưởng hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, thách thức về bảo đảm cân đối tài chính quỹ hưu trí tử tuất trong dài hạn bởi số người hưởng thụ gia tăng nhanh hơn số người tham gia BHXH; số năm thụ hưởng của người hưởng lương hưu tăng; mất cân đối trong tỷ lệ đóng góp và thụ hưởng chính sách BHXH. Ngoài ra, việc làm cho lao động cao tuổi cũng cần được đặt ra bởi nhu cầu được tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu hiện nay rất lớn. Có tới 60% lao động nữ và nam tiếp tục làm việc ở độ tuổi sau 60 trở lên đối với nam và sau 55 trở lên đối với nữ.

Để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm phù hợp với sức khỏe, thu hẹp dần về khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng như giảm áp lực cân đối tài chính quỹ hưu trí - tử tuất, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đề xuất phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Chuyên gia UNFPA tại Việt Nam Lê Thị Phương Mai cũng cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần bảo đảm nâng cao chất lượng lao động và năng suất lao động thông qua giáo dục đào tạo, phát triển kỹ năng nghề. Các điều khoản cần phản ánh được chính sách phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm người lao động có điều kiện được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề. Đồng thời, chính sách phải tạo thuận lợi cho việc tự do dịch chuyển lao động từ các ngành nghề có năng suất thấp sang các ngành nghề có năng suất cao.

Hiểu Lam