Đánh giá công nghệ y tế

Bảo đảm hiệu quả và công bằng

- Chủ Nhật, 01/12/2019, 07:59 - Chia sẻ
Đánh giá công nghệ y tế giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định lựa chọn và triển khai các công nghệ y tế, can thiệp y tế phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đó là khẳng định được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế “Đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam” với chủ đề “Ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) - Chia sẻ kinh nghiệm và bài học quốc tế” do Bộ Y tế vừa tổ chức.

Công cụ xây dựng Danh mục thuốc BHYT

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế nói chung và đánh giá kinh tế dược nói riêng đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập và hoạch chính sách, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT đối với thuốc. Ở Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế thì đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt là đánh giá kinh tế dược cần được chú trọng phát triển. Đây cũng chính là công cụ để quyết định trong việc xây dựng Danh mục thuốc BHYT và phương thức, tỷ lệ chi trả cho thuốc.

Thực tế cho thấy, theo thống kê của Bộ Y tế, thuốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi BHYT, theo đó, năm 2010, chi phí khám chữa bệnh BHYT khoảng 18.681 nghìn tỷ đồng thì trong đó chi phí thuốc BHYT chiếm 61,60%; đến năm 2016 chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng lên 76,34 nghìn tỷ đồng thì chi phí thuốc BHYT chiếm 41% và năm 2017 chi phí khám chữa bệnh BHYT là 97,1 nghìn tỷ đồng thì chi phí thuốc BHYT chiếm 34%... Chính vì vậy, việc ban hành Danh mục thuốc BHYT là một trong những yếu tốt quan trọng hàng đầu để vận hành tốt, có hiệu quả hệ thống BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong quá trình xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT, Bộ Y tế đã chính thức ban hành bộ nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục, bao gồm loại bỏ thuốc ra khỏi danh mục, bổ sung thuốc mới vào danh mục, tiêu chí đối với thuốc cần quy định tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc và tiêu chí đối với thuốc được mở rộng hạng bệnh viện. Trong đó, yêu cầu bắt buộc các đơn vị phải cung cấp báo cáo đánh giá tác động ngân sách và khuyến khích cung cấp bằng chứng chứng minh về chi phí - hiệu quả đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào danh mục.

“Đánh giá công nghệ y tế sẽ đưa ra các bằng chứng về chi phí, hiệu quả của thuốc, tỷ lệ chi trả, điều kiện thanh toán để bảo đảm tính hiệu quả, công bằng. Từ đó, giúp lựa chọn được thuốc an toàn, hiệu quả đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT. Trong thời gian tới, việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách thuốc BHYT không còn mang tính khuyến khích mà sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào danh mục” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.


Đánh giá công nghệ y tế được ứng dụng trong xây dựng Danh mục thuốc BHYT
Nguồn: ITN

Cần phương pháp đánh giá hiệu quả

 Đánh giá công nghệ y tế (Health Technology Assessment) là phương pháp đánh giá khía cạnh y học, dịch tễ học, xã hội học và kinh tế học của các can thiệp y tế, bao gồm thuốc, vaccine, quy trình y tế, thiết bị y tế, dịch vụ y tế và các can thiệp y tế công cộng.

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng, đánh giá công nghệ y tế là lĩnh vực mới, phức tạp và khó. Trong khi đó, năng lực thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều đó đòi hỏi phải có hướng dẫn và phương pháp nhằm nâng cao năng lực thực hiện đánh giá công nghệ y tế.

Mặt khác, cần hoàn chỉnh tiêu chí yêu cầu về bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; xây dựng hướng dẫn về đánh giá công nghệ y tế; hướng dẫn chuẩn bị báo cáo phân tích kinh tế dược, hướng dẫn đánh giá báo cáo phân tích kinh tế dược; triển khai xây dựng Mạng lưới đánh giá kinh tế Dược nhằm kết nối giữa Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh với chuyên gia kinh tế y tế đến từ các viện, trường, hội, trung tâm nghiên cứu, các công ty dược phẩm.

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên thiết lập ưu tiên, phân bổ quỹ đối với các nhóm thuốc, bệnh khác nhau; xây dựng ngưỡng sẵn sàng chi trả theo mức độ bệnh tật; có cơ chế tài chính cho các bệnh hiểm nghèo; ứng dụng phân tích chi phí - hiệu quả, đánh giá tác động ngân sách bên cạnh gánh nặng bệnh tật và bằng chứng y học thực tế trong quá trình hoạch định, ra quyết định…

Điều quan trọng là việc tiếp cận hệ thống đánh giá công nghệ y tế phải bảo đảm phù hợp với hệ thống y tế Việt Nam, xây dựng được những danh mục thuốc thực sự cần đánh giá. Đối với các thuốc mới đề nghị đưa vào danh mục thuốc được BHYT chi trả, cần xác định ưu tiên xem hồ sơ thuốc mới nào cần được đánh giá trước và kết hợp các chính sách thanh toán BHYT (dựa trên loại thuốc, loại bệnh, dân số và lượng tiêu thụ)...

Dương Cầm