Bảo đảm lòng tin pháp lý cho các nhà đầu tư

- Thứ Bảy, 16/11/2019, 07:50 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận tổ sáng qua, không có ĐBQH nào phản đối việc sửa đổi Luật Đầu tư song hầu như đại biểu nào khi phát biểu cũng tỏ rõ sự băn khoăn và e ngại. Đây là dự luật hết sức phức tạp bởi sẽ đụng đến quyền của người dân đã được Hiến pháp bảo hộ và đụng đến rất nhiều luật có liên quan, đến việc khơi thông dòng vốn đầu tư trong nước, hút các dòng vốn, nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Chính vì thế, các ĐBQH cho rằng, phải đánh giá thận trọng các nội dung của dự luật và sửa đổi một cách căn cơ, minh bạch, bảo đảm lòng tin pháp lý cho các nhà đầu tư.

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân phải do luật định

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển


Ảnh: Quang Khánh

Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh là một nội dung hết sức quan trọng và phải được quy định cụ thể trong Luật. Tuy nhiên, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) lại đề xuất bỏ các Phụ lục số 1, số 2 và số 3 về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Nếu quy định theo hướng như vậy thì sẽ càng dễ dẫn đến sự không ổn định trong quy định về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đã liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân thì phải do QH quy định. Tại sao chúng ta lại bỏ các Phụ lục này đi? Vấn đề này là không hợp lý. QH không thể giao cho Chính phủ quy định các phụ lục này. Nếu QH giao thì có thể sẽ có rất nhiều nhà đầu tư thấy băn khoăn, lo ngại vì không biết ngành, nghề nào sẽ bị cấm đầu tư kinh doanh, nhất là trong điều kiện Luật sửa đổi ban hành xong lại phải chờ nghị định quy định chi tiết thì sẽ ảnh hưởng tới việc thực thi Luật. Quan điểm của tôi, những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh là phải quy định cụ thể trong Luật, thậm chí phải cụ thể hơn nữa, ngành nghề nào thấy có thể bỏ ra ngoài danh mục cấm thì bỏ, ngành nghề nào chưa thể bỏ ra ngoài danh mục thì phải giữ, không giao cho Chính phủ.

Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đúng là vừa qua có tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì phải nghiêm trị. Nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là một dịch vụ của cơ chế thị trường. Nếu cấm thì có đi ngược lại thị trường không? Phải đi vào những quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân nào được kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì phải có các nguyên tắc nào, tuân thủ những vấn đề gì, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào chứ bỏ đi thì lại không hợp lý vì hoạt động kinh doanh ngày càng chằng chịt, nợ nần nhau là thực tế xảy ra. Người ta không thể đi đòi nợ nhau thì có thể thông qua tổ chức hợp pháp để đòi nợ. Đó là văn minh. Chúng ta chống là chống những việc lợi dụng chứ đừng thấy một vài vụ việc xảy ra rồi lại chuyển từ cực này sang cực khác.

N.Bình lược ghi

Văn bản hướng dẫn phải đúng tinh thần Luật

Ai cũng mong muốn đầu tư phải thông thoáng, phải nhanh nhưng hiện nay, chúng ta đang bị vướng rất nhiều về thủ tục đầu tư, trong đó có những vướng mắc về mặt pháp lý ngay trong Luật Đầu tư và cả những xung đột giữa Luật Đầu tư với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... “Trăm thứ giằng ra, không thống nhất nên dứt khoát phải sửa Luật Đầu tư”, ĐBQH Chu Lê Chinh (Lai Châu) nêu quan điểm. Dù vậy, ông cũng chia sẻ rằng, vẫn còn lăn tăn với nhiều vấn đề, đây là dự luật hết sức quan trọng và phức tạp nhưng các nội dung đề xuất sửa đổi cũng chưa căn cơ lắm.

Đầu tiên là danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, tại Điều 6 của dự thảo Luật. Chính phủ đề nghị bãi bỏ Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư 2014 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo ĐB Chu Lê Chinh, QH phải giữ danh mục này bao gồm cả các chất ma túy, hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm bởi đây là những nội dung hết sức quan trọng, liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nếu giao danh mục này cho Chính phủ quy định chi tiết, theo ông sẽ dẫn đến tình trạng “tùy nghi” ngay.

Không chỉ danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đang được quy định trong Luật nay lại đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết mà thống kê cho thấy dự thảo Luật có đến 18 điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết. “Như thế là quá nhiều”. Nhấn mạnh điều này, ĐB Chu Lê Chinh cũng cảnh báo nguy cơ luật ban hành xong lại phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. “Trong khi đó, vấn đề đầu tư chúng ta “nóng ruột” lắm rồi. Muốn cải thiện đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài nếu không gỡ được Luật Đầu tư này thì vẫn còn trì trệ”, ông nói.


Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu tại tổ Ảnh: Quang Khánh

Có chung lo ngại về việc dự thảo Luật giao nhiều điều khoản cho văn bản dưới luật hướng dẫn, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) chỉ ra thực tế, một thay đổi nhỏ trong văn bản dưới luật không đúng với tinh thần của Luật cũng đã gây ra những vướng mắc rất lớn.

Cụ thể là, trước đây, danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu đãi đầu tư được hướng dẫn theo hướng bao gồm các huyện thì khu kinh tế không có gì vướng. Nhưng khi áp dụng theo Nghị định mới thì phân ra từng địa bàn khác nhau, có chính sách ưu đãi khác nhau. Một dự án nằm trên hai, ba huyện hoặc nửa huyện này và nửa huyện kia thì không biết áp dụng chính sách ưu đãi như thế nào. Cùng một dự án cụ thể lại áp dụng các chính sách ưu đãi khác nhau, có nơi ưu đãi cao, nơi lại ưu đãi thấp, có dự án nằm trên nửa địa bàn này được ưu đãi, nửa bên kia lại không được.

Vấn đề này không phải vướng do luật mà do văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Vì thế, theo ĐB Phan Thái Bình, trong Luật phải quy định rất cụ thể, giữa luật và văn bản hướng dẫn phải rà soát, bảo đảm thống nhất, văn bản hướng dẫn phải đúng tinh thần của Luật chứ không thể hướng dẫn lại gây khó cho thực thi. Sửa đổi Luật Đầu tư lần này phải vừa chặt chẽ, vừa tháo gỡ khó khăn nhưng đồng thời cũng đừng tạo ra các khoảng trống trong quy định pháp lý có thể dẫn đến sự tùy nghi trong hướng dẫn luật và gây lúng túng cho quá trình thực thi.

ĐB Chu Lê Chinh đề nghị, phải rà soát, quy định ngay các nội dung hiện đang giao cho Chính phủ hướng dẫn để vấn đề nào có thể quy định ngay trong Luật thì quy định còn nếu nội dung nào cần phải hướng dẫn thì cũng phải nói rất rõ lý do tại sao? Luật có hiệu lực thì bao giờ Chính phủ có hướng dẫn cụ thể?

Công khai, minh bạch và công bằng

Điều quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Đầu tư lần này là gì? Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Dương Quang Thành (TP Hà Nội) nêu thực tế, thời gian để triển khai được các dự án đầu tư là rất lâu. TP Hà Nội có thống kê dự án nhóm A mất khoảng 2,5 năm, dự án nhóm B thì khoảng 1,5 năm. Tuy nhiên từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, theo ông, thời gian lâu hơn rất nhiều. Những dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng thì tối thiểu là 5 năm, lâu hơn thì 7-8 năm. Thời gian lâu như vậy thì tất cả các yếu tố đầu vào khi chuẩn bị dự án đều thay đổi. Đó là chưa kể chính sách thay đổi rất nhanh. “Tít mù rồi chạy vòng quanh mà cuối cùng thì chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả. Đây là những nút thắt, những điểm nghẽn mà sửa Luật Đầu tư lần này phải mở ra để tháo gỡ cho nhà đầu tư thì mới có thể có được sự phát triển mới”, ĐB Dương Quang Thành nêu rõ.

Từ thực tiễn quản lý, điều hành tại địa phương, ĐBQH Nguyễn Phi Long (Bình Định) cho rằng, sửa Luật Đầu tư lần này phải bảo đảm 4 nguyên tắc. Thứ nhất là công khai, minh bạch và công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, ở một số địa phương có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi hơn nhà đầu tư trong nước, được sự quan tâm nhiều hơn, được miễn giảm nhiều thủ tục hơn... trong khi đó ở nhiều dự án, nhà đầu tư trong nước rất khó tiếp cận.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai là phải bảo đảm lòng tin pháp lý cho các nhà đầu tư. “Nếu thường xuyên thay đổi chính sách, nhà đầu tư trong nước thì chắc cũng quen dần rồi nhưng nhà đầu tư nước ngoài thì rất sợ, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn. Hôm nay đầu tư thì thế này, ngày mai chính sách thay đổi thì cũng không biết thế nào. Chúng ta phải bảo đảm được sự ổn định của chính sách để nhà đầu tư yên tâm thì mới có thể tiến hành các hoạt động đầu tư lớn, dài hơi được”. Dẫn chứng ngay trong dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Phi Long cho rằng, nếu danh mục các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành, nghề hạn chế đầu tư kinh doanh và danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước không được ban hành kèm theo Luật Đầu tư mà giao cho Chính phủ quy định thì cũng rất nguy hiểm vì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không biết được Nhà nước Việt Nam sẽ cho họ tiếp cận với những ngành nghề nào thì không yên tâm đầu tư.

Thứ ba là các ưu đãi cần lựa chọn đúng đối tượng, đúng lĩnh vực và đúng địa bàn. Thứ tư là nên phân cấp nhiều hơn cho cơ sở, cho chính quyền địa phương. Những gì chính quyền địa phương làm được thì nên phân cấp để UBND các tỉnh, thành phố chủ động trong việc quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư phù hợp với các quy định của pháp luật.

Bảo đảm tính minh bạch và bình đẳng cũng là yêu cầu được nhiều ĐBQH nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ sáng qua. Đơn cử như quy định Chính phủ quyết định mức ưu đãi bổ sung nhằm khuyến khích phát triển một số ngành, dự án của tập đoàn đa quốc gia, dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, ĐB Phan Thái Bình đặt câu hỏi: Tại sao lại chỉ khuyến khích cho các ngành, dự án của tập đoàn đa quốc gia? Còn những tập đoàn không đa quốc gia, tập đoàn trong nước thì sao? “Tôi chưa hình dung được. Trong khi đó có những ưu đãi bổ sung lên đến 50% là rất lớn và tập đoàn đa quốc gia cũng không đồng nghĩa là tập đoàn lớn. Phải đánh giá và phân tích cho kỹ nếu không sẽ không bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong chính sách này”, ông nói.

Sửa đổi tới 30 điều, bổ sung 3 điều trong tổng số 76 điều của Luật Đầu tư 2014, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng chỉ được quyết định tách riêng thành một dự luật độc lập khi Kỳ họp thứ Tám đã cận kề. “Chúng ta làm luật theo kiểu chạy đua gấp rút như vậy thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng”, ĐB Chu Lê Chinh cảnh báo. Và quả thực, các điều khoản, các băn khoăn, e ngại được các ĐBQH đặt ra sáng qua đã cho thấy từ quan điểm sửa đổi đến từng nội dung cụ thể của dự luật này đều phải rà soát và tính toán hết sức căn cơ chứ không thể làm vội hay như Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhận xét là “hơi bị đơn giản hóa” được!

Lam Anh