Bảo đảm nguồn lực xét nghiệm tại chỗ

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:29 - Chia sẻ
Cùng với việc tập trung tất cả lực lượng, nỗ lực từng giây, từng phút để hỗ trợ tối đa cho Đà Nẵng trong thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, các chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm cũng làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng nghìn mẫu bệnh phẩm. Đó là khẳng định của Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương PGS. TS. Trần Như Dương - Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch của Bộ Y tế đang hoạt động tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng triển khai lấy mẫu nhanh gọn, hiệu quả

Theo PGS. TS. Trần Như Dương, riêng trong ngày 31.7, Đoàn công tác của Bộ Y tế với các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị, giám sát dịch tễ và xét nghiệm được cử đến Đà Nẵng, đã phối hợp với địa phương lấy mẫu xét nghiệm người dân sống ở khu vực phong tỏa gần 3 bệnh viện lớn. Các chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm cũng làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng nghìn mẫu bệnh phẩm.

Hiện nay Tổ công tác đang phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc thành lập đội “Giám sát và tuyên truyền phòng chống Covid-19 tại cộng đồng” trên toàn thành phố Đà Nẵng; xây dựng kế hoạch sử dụng các đội truy vết được lấy từ đội ngũ sinh viên Trường Đại học kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và lực lượng chiến sĩ Quân khu 5. Kết nối, chia sẻ nhanh thông tin kết quả xét nghiệm các ca dương tính của bộ phận xét nghiệm và thông tin về dịch tễ của bộ phận điều tra, giám sát dịch. Đặc biệt, ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm ngay các trường hợp nghi ngờ, có các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, khó thở trong cộng đồng. Thực hiện giám sát tất cả các ca bệnh có sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, các trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện kể cả tư nhân để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Theo Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, hiện đã huy động 600 sinh viên y khoa, 100 kỹ thuật viên để triển khai việc lấy mẫu nhanh gọn, hiệu quả, quyết liệt trên toàn thành phố để ngăn chặn tình trạng lây trong cộng đồng. Theo đó, từ ngày 1.8, bình quân mỗi ngày có thể lấy từ 8.000 - 10.000 mẫu xét nghiệm. Công tác lấy mẫu đang diễn ra rất khẩn trương tại nhiều điểm trong thành phố; việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sớm sẽ khống chế được việc lây lan trong cộng đồng và tạo tâm lý yên tâm cho người dân.

Được biết, ngay trong ngày 1.8, Trung tâm Y tế dự phòng quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã tiến hành lấy khoảng 1.000 mẫu xét nghiệm cho bà con nhân dân sống quanh khu nơi bệnh nhân 416 sinh sống. Khu vực lấy mẫu được dựng rạp, bố trí khoa học, có không gian rộng, ghế ngồi chờ đến lượt cách nhau 2m theo quy định. Theo đó, tính đến chiều 1.8, tại địa phương này đã xác định được 7.276 đối tượng F1, 2.333 đối tượng F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm SAR-CoV-2. Ngành chức năng đã cách ly 4.298 trường hợp tại các cơ sở y tế; 2.803 trường hợp tại khu cách ly tập trung; 4.242 trường hợp tại nhà; 554 trường hợp nhập cảnh. Tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện từ 25.7 đến chiều 1.8 là 8.274 mẫu, trong đó có 87 mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đà Nẵng triển khai lấy mẫu xét nghiệm nhanh gọn, hiệu quả  

Nguồn: Bộ Y tế 

Triển khai xét nghiệm nghiêm túc, hiệu quả

Xác định là địa phương có nguy cơ cao, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố còn 8 bệnh nhân đang điều trị, trong đó chỉ có bệnh nhân số 510 có biểu hiện mệt, có đờm. Đến chiều 1.8, 90/162 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp đang được cách ly theo dõi đã có kết quả âm tính. Công suất xét nghiệm tối đa của tất cả đơn vị trên địa bàn trong một ngày là 8.000 - 9.000 mẫu.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, TP Hồ Chí Minh lập danh sách tất cả bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này; xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm. Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để khẳng định. Thành phố không được để tình trạng người dân gọi điện đến cơ sở A, cơ sở B để được xét nghiệm nhưng phải đợi 3 - 4 ngày.

Còn tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, ước tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho gần 50.000 người. Về năng lực xét nghiệm, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm một ngày. Sở Y tế cũng đã quán triệt các bệnh viện siết chặt kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát số lượng người ra vào bệnh viện, khai báo y tế, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện…

Ngành y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng; thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, về giá để tránh tình trạng mỗi địa phương một giá để các đơn vị tham khảo khi mua sắm; đề nghị Bộ chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ khẩn trương tập huấn để bảo đảm an toàn sinh học cho các phòng xét nghiệm.

Trước những kiến nghị của TP Hà Nội, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Về test nhanh, Quyền Bộ trưởng cũng khẳng định Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung.

Khẳng định số lượng xét nghiệm ngày 1.8 đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này. Các cơ sở y tế, đặc biệt Sở Y tế, phải tiến hành tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thức lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và các cơ sở khác. Các cơ sở y tế có ký hợp đồng bảo hiểm y tế đều phải thực hiện việc xét nghiệm dưới nhiều hình thức (lấy mẫu, gửi về cơ sở có đủ điều kiện...), cơ sở này có thể là Nhà nước, tư nhân, khối y tế dự phòng, quân đội, thú y... Phải mở rộng cơ sở được làm xét nghiệm.

"Phải triển khai ngay, tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở này. Đối tượng cần xét nghiệm đã thống nhất và hướng dẫn rõ, để phát hiện càng sớm càng tốt, phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó" - GS. TS. Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Thảo Mộc