Nhịp cầu

Bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân

- Thứ Ba, 19/05/2020, 10:32 - Chia sẻ
Nước sạch là nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thời gian qua, tình trạng nước sạch do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình cung cấp trên địa bàn thành phố lại không bảo đảm chất lượng, thậm chí bị vẩn đục, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và bức xúc trong nhân dân.

Theo phản ánh của cử tri, trong các tháng 4, 5, 6, tình trạng nước máy “có vấn đề” liên tục xảy ra khiến người dân vô cùng lo lắng. Mặc dù người dân đã thường xuyên vệ sinh bể, bồn chứa nước nhưng nguồn nước vẫn bị vẩn đục, đôi khi có cả cọng rác, nước có mùi tanh. Nhiều hộ đã phải sử dụng máy lọc để lọc lại nước mới dám sử dụng. Vì vậy, người dân kiến nghị Sở Y tế tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn ban hành tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14.12.2018 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế nên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) tiến hành quan trắc chất lượng nước sạch qua hệ thống tiếp nhận thông tin quan trắc online để theo dõi các chỉ số quan trắc môi trường.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vũ Mạnh Dương cho biết: Sở đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước của các nhà máy, trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước đã được thực hiện theo đúng quy định của Thông tư số 41. Mặt khác, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý chất lượng nước, Sở có nhiệm vụ quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, là nước đã qua xử lý của các nhà máy, trạm cấp nước. Hiện nay, các trạm cấp nước sạch không thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục nên Sở Y tế không thể phối hợp để tiến hành quan trắc chất lượng nước sạch qua hệ thống quan trắc online này…

Kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại Công ty Cổ phẩn Cấp thoát nước Ninh Bình cho thấy: Tháng 4 và tháng 5.2019, đạt 14/15 chỉ tiêu được xét nghiệm theo QCVN 01:2009/BYT, 1/15 chỉ tiêu không đạt là chỉ số Pecmanganat (Chỉ số Pecmanganat trong nước cao hơn giới hạn cho phép, sẽ là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển trong bể chứa nước). Khi phát hiện các kết quả xét nghiệm chất lượng mẫu nước tháng 4 và tháng 5 không đạt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã có thông báo trực tiếp với Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình và kiến nghị các giải pháp khắc phục như: Tăng thời gian lưu nước trong bể sơ lắng, giảm tốc độ lọc để tăng cường hiệu quả lọc, tăng cường vệ sinh hệ thống xử lý nước. Theo đó, Công ty đã khắc phục các kiến nghị của Sở Y tế, kết quả xét nghiệm chất lượng nước tháng 6.2019 đã có 15/15 chỉ tiêu được xét nghiệm đạt chất lượng theo QCVN 01:2009/BYT.

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt do các nhà máy, trạm cấp nước cấp có một phần ảnh hưởng từ biến động của nguồn nước nguyên liệu đầu vào do Sở TN - MT theo dõi. Do đó, Sở Y tế đề nghị Sở TN - MT cùng phối hợp để thông báo tới các trạm cấp nước khi các kết quả quan trắc chất lượng nước nguồn có thay đổi bất thường để các đơn vị này kịp thời có các biện pháp xử lý, bảo đảm chất lượng nước sạch đạt theo quy định. Đồng thời, các nhà máy, trạm cấp nước cần thực hiện công tác nội kiểm chất lượng nước thành phẩm định kỳ theo quy định, thường xuyên vệ sinh hệ thống xử lý, tăng cường giám sát mạng lưới đường ống dẫn nước, tránh các sự cố rò rỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng nước trong quá trình cung cấp tới người dân. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt để trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện trước ngày 30.6.2021 theo quy định tại Thông tư số 41.

Đông đảo cử tri mong muốn Sở Y tế cùng với các cơ quan liên quan cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành tốt công trình cấp nước sạch để sau đầu tư nguồn nước đầu ra luôn bảo đảm theo tiêu chuẩn, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và cải thiện chất lượng cuộc sống.

TRẦN TÂM