Nhịp cầu

Bảo đảm phương tiện kiểm tra an toàn thực phẩm

- Thứ Năm, 21/05/2020, 11:06 - Chia sẻ
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong kiểm nghiệm đánh giá chất lượng thực phẩm, ngoài kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, rất cần có sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của các thiết bị, máy móc. Vì vậy, công tác quản lý, mua sắm thiết bị liên quan đến kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cần được quan tâm.

Trên thực tế, các cơ sở sản xuất thực phẩm như bún, phở, bánh các loại trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình nên rất khó để kiểm soát. Trong khi đó, việc kiểm tra test nhanh tại các chợ hiện nay là phương tiện được thực hiện thường xuyên, xong việc test cũng chỉ thể hiện được một số chỉ tiêu chủ yếu, một số chỉ tiêu phải gửi về Trung ương kiểm nghiệm mới có kết quả, cần có thời gian. Việc cung cấp thiết bị test phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát tại cấp xã còn khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, tại Điểm c, Khoản 6.2 Điều 17 về định mức phân bổ ngân sách sự nghiệp y tế của Nghị quyết số 89/2016/NQ-HĐND ngày 15.12.2016 của HĐND tỉnh Lào Cai về Ban hành Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; thời gian phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020 đã quy định: “Mỗi huyện, thành phố được tính thêm mức chi theo tiêu chí dân số là 10.000đ/dân số/năm để chi cho các nhiệm vụ khác của ngành y tế” cho cấp huyện, cấp xã để chi các hoạt động có tính chất đặc thù. Trong đó, có nhiệm vụ chi cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trạm y tế cấp xã không biết có khoản chi này để thực hiện nhiệm vụ; một số huyện cũng chưa cấp khoản chi này cho các xã nên cấp cơ sở khó triển khai nhiệm vụ, hoặc có triển khai nhưng không thường xuyên, hiệu quả chưa cao…

Thực tế trên cho thấy, để công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn trong được thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả ở tất cả các cấp, bên cạnh ngành y tế, nông nghiệp, công thương giữ vai trò chủ đạo phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khâu chăn nuôi, trồng trọt, đến chế biến, bảo quản; nhất là tuyên truyền, vận động làm thay đổi hành vi của người sản xuất, bảo đảm đưa ra thị trường các sản phẩm sạch, bảo quản, chế biến bảo đảm quy trình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ phận cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ an toàn vệ sinh thực phẩm cần nắm rõ chế độ, chính sách ưu đãi hỗ trợ của ngành để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; đề xuất các chính sách đặc thù của ngành, bảo đảm cán bộ thực hiện nhiệm vụ có đầy đủ phương tiện phục vụ công tác để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho người tiêu dùng.

HÀ THIỆP