Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lấy ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan

- Chủ Nhật, 20/10/2019, 07:50 - Chia sẻ
Tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp đã nêu một số vấn đề kiến nghị QH xem xét để bảo đảm hài hòa, bảo vệ quyền lợi các bên trong quan hệ lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thực hiện tiến bộ xã hội. Trong đó, tập trung vào các quy định về tuổi nghỉ hưu, giảm giờ làm, khung giờ làm thêm, hợp đồng lao động...

Cân nhắc kỹ việc tăng tuổi nghỉ hưu, giảm giờ làm

Góp ý vào Dự thảo bộ Luật, đại diện Hội Luật gia thành phố Trương Văn Dũng không nhất trí tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 đối với nữ được quy định trong dự thảo, đồng thời đề nghị nên giữ như luật hiện hành. Dẫn chứng cho quan điểm này, đại biểu cho rằng nếu người lao động và người sử dụng lao động có nhu cầu vẫn có thể ký tiếp hợp đồng lao động, không cần thiết phải nâng tuổi nghỉ hưu. Tại một số cơ quan Nhà nước đặc thù như viện nghiên cứu, bệnh viện… vẫn có thể ký thêm hợp đồng để người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến. Vì vậy, nên có cơ chế mở để người lao động và người sử dụng lao động chủ động thỏa thuận, ký kết. Vì vậy, nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như luật hiện hành.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Ngô Văn Tuyến cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu diễn ra cơ bản ở các nước thiếu lao động, Việt Nam đang vào thời kỳ dân số vàng, vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm của lao động trẻ trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế. Cũng theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc lao động trực tiếp. Vì vậy, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét các yếu tố, đối tượng tính chất công việc, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, cũng như các ngành, nghề đặc thù. 

Đối với giờ làm việc của người lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho rằng: Việc giảm giờ làm xuống còn 44 giờ một tuần theo quy định của Dự thảo Luật là hợp lý, vì cán bộ, công chức đã được áp dụng nhưng người lao động sản xuất vẫn giữ nguyên 48 giờ đến nay. Vì vậy, đại biểu đề nghị giảm giờ làm đối với lao động công nhân. Bên cạnh đó, đề nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm, do số ngày nghỉ của nước ta rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế là lao động di cư.

Ở góc nhìn khác, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho rằng: Thời gian làm việc được quy định trong luật hiện nay là tối ưu, không cần thay đổi nhiều. Việc giảm giờ làm như trong Dự thảo nên đánh giá tác động đối với nền kinh tế, chính trị và xã hội. Theo đại biểu, ở góc độ của doanh nghiệp, việc giảm giờ làm rất khó khăn và áp lực, vì lương tối thiểu tăng liên tục trong 5 năm qua, giờ làm việc lại giảm xuống 44 giờ một tuần gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Tổng Công ty dẫn chứng: Chi phí giờ làm thêm của Tổng Công ty May 10 sẽ tăng 13,6% nếu như giảm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần như Dự thảo. Chưa kể, việc trả lương làm thêm giờ tính lũy tiến như trong dự thảo, doanh nghiệp khó có thể chịu đựng thêm về mặt chi phí. Vì vậy với tình hình kinh tế nước ta hiện nay, không nên giảm giờ làm thông thường.


Toàn cảnh hội nghị  
Ảnh: Khánh Duy

Nâng thời gian nghỉ việc báo trước ít nhất 15 ngày

Đối với hợp đồng lao động, Phó Giám đốc Công ty Xích líp Đông Anh Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng của người lao động theo quy định trong Dự thảo với hợp đồng lao động dưới 12 tháng báo trước ít nhất 3 ngày là chưa hợp lý. Vì theo đại biểu, người lao động muốn nghỉ chỉ cần báo trước như vậy sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Trong trường hợp đó, việc tuyển người để thay thế cho vị trí lao động xin nghỉ gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại nhà máy Xích líp Đông Anh, lao động sử dụng máy móc, trang thiết bị kỹ thuật cao nên việc tìm người thay thế gặp nhiều khó khăn vì phải qua đào tạo mới làm được việc, và không thể đào tạo thay thế kịp. Vì vậy, đối với hợp đồng lao động dưới 12 tháng cần nâng thời gian nghỉ việc báo trước ít nhất 15 ngày là phù hợp, để doanh nghiệp có thời gian tuyển dụng và đào tạo người thay thế.

Liên quan đến quyền lợi của người lao động, Trưởng ban Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Hiền Thúy cho rằng: Với chế độ thai sản của phụ nữ được quy định tại Khoản 1, Điều 137 của Dự thảo, lao động nữ mang thai từ tháng thứ 6 trở đi tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có thể thỏa thuận làm thêm giờ, đi công tác xa. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ tạo bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe phụ nữ và thai nhi. Qua thực tế, có những thời điểm công nhân khó có thể từ chối được việc làm thêm giờ, tăng ca do đơn hàng dồn dập, hoặc công nhân muốn có thêm thu nhập cho gia đình nhưng không ý thức được việc bảo đảm sức khỏe cho mình và thai nhi. Vì vậy, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho rằng: Việc bảo đảm sức khỏe cho phụ nữ và thai nhi là cần thiết, nên giữ như quy định hiện hành, không cho phép phụ nữ mang thai ở tháng thứ 6 trở đi được làm thêm giờ.

KHÁNH DUY