Chính sách Học bổng cho Học sinh - sinh viên

Bảo đảm sự công bằng

- Thứ Ba, 13/08/2019, 08:01 - Chia sẻ
Thời gian gần đây chính sách học phí, học bổng của các trường đại học có nhiều thay đổi, nhằm tạo ra động lực khuyến khích sinh viên giỏi, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, cũng như xem đó là một trong những điểm ‘hút’ học sinh đăng ký tuyển sinh vào trường. Tuy nhiên, vẫn còn trường chưa thực sự chú trọng thực hiện chính sách này. Bên cạnh đó, nhiều quy định đã không còn phù hợp nên mức hỗ trợ chưa thực sự khuyến khích học sinh - sinh viên vươn lên trong học tập.

Chưa thực sự quan tâm

Thực hiện chính sách do Nhà nước ban hành, thời gian qua, nhiều trường đã nỗ lực duy trì nguồn kinh phí theo quy định để tạo quỹ học bổng, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ để hỗ trợ cho sinh viên. Đơn cử, nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập Trường Đại học Thái Nguyên luôn chủ động tìm nguồn lực từ xã hội hóa. Nhờ đó, trong năm học 2017 - 2018, có 9.959 sinh viên được miễn học phí với số tiền là 43 tỷ 427 triệu 762 nghìn 719 đồng; 3.249 sinh viên được giảm học phí với số tiền là 12 tỷ 278 triệu 241 nghìn 260 đồng; 5.162 sinh viên nhận trợ cấp xã hội với số tiền là 6 tỷ 233 triệu 400 nghìn đồng; 4.886 sinh viên nhận hỗ trợ chi phí học tập với số tiền là 12 tỷ 319 triệu 629 nghìn 740 đồng. Về học bổng khuyến khích học tập, năm học 2017 - 2018 có 5.296 sinh viên (trong đó có nhiều sinh viên dân tộc thiểu số) nhận 19 tỷ 145 triệu 855 nghìn 185 đồng. Học bổng ngân sách nhà nước cấp cho 358 sinh viên dân tộc thiểu số với số tiền 838 triệu 698 nghìn đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở giáo dục thực hiện tốt chính sách học bổng, nhiều cơ sở chưa thực sự quan tâm đến chính sách này. Cụ thể, kết quả thực hiện kiểm toán năm 2018 đối với các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, nhiều trường chưa trích lập quỹ học bổng mà chi trực tiếp từ nguồn học phí; một số đơn vị chi quỹ học bổng chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 8% theo quy định (Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Lạt 4%, Trường Cao đẳng Nghề du lịch Cần Thơ 3%). Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến tại nhiều cơ sở giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua kiểm toán năm 2018 tại một số cơ sở giáo dục, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện tổng số học bổng chi thiếu là hơn 42 tỷ đồng.

Hiện nay, chính sách học bổng cho học sinh, sinh viên được thực hiện theo  Quyết định số 44/2007/QĐ - BGDĐT ngày 15.8.2007 và Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT ngày 1.8.2013 sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 44/2007/QĐ BGD ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh - sinh viên trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, theo phản ánh từ nhiều địa phương, cũng như các trường, một số quy định của chính sách này đang thể hiện sự cứng nhắc, không phù hợp với thực tế. Những hạn chế này đang góp phần làm giảm hiệu lực, hiệu quả cũng như tính nhân văn của chính sách. Cụ thể , đối với chính sách hỗ trợ chi phí học tập, trên thực tế, đa số học sinh - sinh viên thuộc đối tượng này có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn (gia đình không có khả năng hỗ trợ tài chính), cùng với đó là chi phí tiêu dùng hằng năm tăng cao và lộ trình tăng học phí, thì việc hỗ trợ 60% định mức lương cơ bản là khá thấp chưa đủ đáp ứng như cầu tối thiểu cho các em học sinh, sinh viên.

Cần quy định cụ thể

Trước những bất cập trong quá trình thực hiện về học bổng chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định về học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập và các chính sách hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên. Góp ý kiến cho dự thảo nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho rằng, theo Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT về học bổng khuyến khích học sinh, sinh viên, quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 15% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường công lập và tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, theo Thông tư 31, quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường ngoài công lập. Như vậy, quy định này đã làm giảm cơ hội được nhận học bổng của sinh viên, khi nguồn kinh phí bố trí cho học bổng bị bó hẹp lại.

“Việc hưởng chế độ này nên thực hiện theo thời gian đào tạo tối đa hay thời gian thiết kế chương trình đào tạo. Vì theo quy định hiện hành, sinh viên có thời gian học tập tối đa gấp đôi thời gian thiết kế chương trình đào tạo (thời gian thiết kế từ 3,5 - 5 năm và thời gian tối đa 7 - 10 năm tùy ngành). Nên chăng, chỉ tính thời gian thiết kế cộng thêm vài học kỳ tránh tình trạng sinh viên cố tình kéo dài thời gian học để hưởng chính sách” - đại diện Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất.

Phản ánh từ nhiều trường cũng cho biết, một số quy định về chế độ, chính sách còn bất hợp lý, cần được bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới. Đơn cử như hiện nay, theo quy chế tuyển sinh đại học, có 2 đối tượng sinh viên tham gia xét tuyển vào các trường đại học: Xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển theo học bạ THPT, nhưng chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học lại quy định đối tượng thụ hưởng là sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy. Chính vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách để bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục ở trình độ đại học đối với dân tộc thiểu số.

Bảo Anh