Bảo đảm sự công bằng về việc làm cho người cao tuổi

- Thứ Hai, 04/11/2019, 10:21 - Chia sẻ
Già hóa dân số đang là vấn đề đáng quan ngại không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Tình trạng bất bình đẳng kinh tế và bất bình đẳng ở người cao tuổi (NCT) đang là vấn đề cản trở sự đi lên của nhiều quốc gia. Trên thực tế, Việt Nam còn rất nhiều người cao tuổi còn khả năng làm việc và mong muốn được làm việc, nếu tận dụng tốt nguồn lực này sẽ là nền tảng cho một xã hội phồn vinh cho mọi lứa tuổi.

Nhìn từ các nước phát triển

Việt Nam chỉ mới thực sự bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2014, tức là sau các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… khá nhiều năm nhưng lại là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” - một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới, thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Có thể thấy, việc học tập mô hình và khắc phục hậu quả của già hóa dân số ở các nước phát triển trong vấn đề giải quyết lao động việc làm là rất cần thiết.


Cần thêm nhiều cơ hội việc làm sau nghỉ hưu cho người cao tuổi 

Trao đổi thêm về tốc độ già hóa dân số, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chỉ ra rằng, tính trung bình trên toàn cầu, chi tiêu cho trợ cấp hưu trí và các loại hình phúc lợi khác cho người cao tuổi chiếm gần 7% GDP, trong đó có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực. Tuy nhiên, mức trợ cấp này còn khá thấp, chưa đủ để người cao tuổi thoát nghèo. Ở Mỹ, có tới 29% số người trên 55 tuổi không có tiền tiết kiệm hoặc lương hưu. Tại những nước mà chi tiêu công cho trợ cấp hưu trí thấp, như ở Canada, tỷ lệ nghèo đói ở người cao tuổi đang tăng.

Trước thực trạng này, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) đã có những hoạt động cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề già hóa dân số, khai thác cơ hội, đồng thời giải quyết những thách thức đặt ra, trước hết là hỗ trợ các nước trong việc đề ra các chính sách, kế hoạch và bảo đảm rằng vấn đề già hóa dân số được lồng ghép vào các chương trình phát triển quốc gia và chiến lược xóa đói giảm nghèo.

Điển hình như Nhật Bản, là một trong những quốc gia phát triển đối mặt với thách thức của vấn đề già hóa dân số, ước tính cứ 1 trong số 3 người dân sẽ ở độ tuổi 65 vào năm 2025, tại Nhật Bản, chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của chính phủ trong tài khóa vừa kết thúc tháng 3 vừa qua. Chính phủ Nhật Bản cũng chủ trương khuyến khích các công ty bảo đảm công việc cho người lao động tới 70 tuổi bằng việc đưa ra các hình thức như tiếp tục thuê lao động sau khi tới tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ người lao động tìm công việc mới tại các công ty khác, hỗ trợ tài chính cho các hợp đồng thuê việc tự do và hỗ trợ doanh nghiệp....

Còn với Thụy Điển, dự báo trong hai thập niên tới, số người trên 80 tuổi ở Thụy Điển sẽ tăng khoảng 500.000 - 800.000 người. Thụy Điển còn thực hiện chính sách nhập cư mở cửa, qua đó khuyến khích những người ở độ tuổi lao động đến nước này làm việc, giúp Chính phủ Thụy Điển giải quyết việc thiếu ngân sách để vận hành quỹ chăm sóc sức khỏe và trợ cấp người cao tuổi, đồng thời giải quyết khủng hoảng tài chính ở lĩnh vực dịch vụ cho người cao tuổi. Thêm vào đó, khuyến khích việc nghỉ hưu muộn để duy trì một cộng đồng lao động to lớn cũng là một giải pháp đáng chú ý.

Phát huy nguồn nhân lực 60+

 Theo số liệu khảo sát của Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB và XH), cả nước hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi (NCT), trong đó 46% có nhu cầu làm việc và đang làm việc, 68% người có khả năng làm việc.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Quang Trung cho biết, hiện nay phần lớn người lao động nghỉ hưu ở nước ta chủ yếu là nghỉ ngơi và sống dựa vào lương hưu, trong khi sức khỏe và khả năng vẫn còn. Chỉ có một số ít người tự tìm đến công việc như một niềm vui trong cuộc sống, nhưng lại rất thiếu thông tin về thị trường lao động. Để NCT tìm được việc làm là điều không đơn giản. Phần lớn họ tìm được việc là do mối quan hệ quen biết, người thân giới thiệu, chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động này.

Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi. Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...

Thực tế trên thị trường lao động cho thấy, hiện có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Thêm vào đó, khi có tới 7 - 8 triệu NCT tham gia thị trường lao động sẽ tạo ra kích cầu tốt hơn; khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là NCT rất cần thiết. Bởi lẽ lao động cao tuổi có những điểm mạnh mà lao động trẻ tuổi không có được như hầu hết đã được đào tạo, có kinh nghiệm, tác phong làm việc tốt, có hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, nhóm lao động này ít bị tai nạn lao động, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động tốt…

Cũng theo ông Trung, về khía cạnh pháp luật, Bộ luật Lao động tại khoản 1 Điều 3 quy định, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có giao kết hợp đồng lao động. Luật Việc làm cũng quy định, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Như vậy cả hai luật đều quy định độ tuổi “cận dưới” của người lao động, không quy định độ tuổi “cận trên”. Còn xét trên thực tế, nhu cầu lao động của cả doanh nghiệp và NCT là có. Vấn đề là cần nâng cao nhận thức, đồng thời cần có chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhận NCT vào làm việc, chẳng hạn giảm thuế, phí, giảm các khoản đóng góp.

Đối với người lao động cao tuổi, cần có những chính sách cụ thể hơn, như có những chương trình, dự án để các trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương tư vấn, giới thiệu việc làm cho NCT. “Trong thời gian tới, cần nghiên cứu khảo sát trong bối cảnh hiện nay, những ngành nghề nào nên dành một tỷ lệ nhất định cho NCT. Nếu sử dụng được nguồn lực này rất tốt cho xã hội” ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.

Tùng Dương