Bảo đảm sự phát triển bền vững

- Thứ Tư, 18/09/2019, 08:23 - Chia sẻ
Tuổi nghỉ hưu; thời gian làm việc thêm; tiền lương giờ làm thêm; đối thoại nơi làm việc; chấm dứt hợp đồng lao động; bảo hiểm xã hội… là những vấn đề được đại diện công nhân ngành may đề cập tới tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với Tổng công ty May 10 về lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Quy định đặc thù cho ngành đặc thù

Khoản 2, Điều 169, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định, trong điều kiện lao động bình thường, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Bình luận về đề xuất này, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho rằng, nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình về thời gian; đồng thời quy định cụ thể theo từng nhóm những trường hợp nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung, như người lao động (NLĐ) bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Thực tế,  NLĐ có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là một nhóm lao động thuộc số ít. Nhóm thuộc số nhiều hơn chính là nhóm lao động thấp hơn. Sẽ có rất ít người lao động ngành dệt may được hưởng chế độ hưu do không thể làm đến đủ tuổi nghỉ hưu vì tính chất công việc, ngành nghề. Điều đó vô hình trở thành rào cản cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) gây bất ổn đến đời sống của người lao động.


Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trò chuyện với công nhân

Đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm cũng như kết cấu trong dự thảo Luật, tuy nhiên Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty May 10 Trần Quý Dân cho rằng, do đặc thù lao động trong ngành dệt may thường phải sản xuất theo đơn đặt hàng của các đối tác, có những đơn đặt hàng yêu cầu thời hạn rất ngắn, do vậy trong một khoảng thời gian nhất định, DN phải tập trung cao nhất, huy động mọi nguồn lực. Tuy nhiên hiện nay DN vẫn phải thực hiện quy định làm thêm giờ như quy định là không quá 30 giờ/1 tháng và  200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt mới được phép 300 giờ/năm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất của DN. Hơn nữa, vì gia công là theo thời vụ, đơn hàng ngắn, nhỏ lẻ… nên làm thêm giờ có tính tất yếu với thực tế hiện nay, vấn đề là làm thêm trong khung hợp lý cho phép và tuân thủ các chế độ cho NLĐ. Từ thực tế này, đề xuất dự thảo không nên quy định cứng nhắc thời gian làm thêm giờ theo tuần, theo tháng.

Nên thành lập ban hợp tác hai bên

Dự thảo đề xuất ở những DN sử dụng nhiều lao động thì sẽ thành lập ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc với sự tham gia của đại diện DN và đại diện người lao động để thực hiện việc đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một bên và đối thoại trong những trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật (khi xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế thưởng; nội quy lao động; phương án sử dụng lao động…)

Đồng ý với dự thảo về việc thành lập ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc đối với các DN có nhiều tổ chức công đoàn, tuy nhiên theo Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt thì dự thảo cần làm rõ tổ chức đại diện trong DN, như vậy để đối thoại với các tổ chức này cần có sự hiệp thương giữa các tổ chức đại diện. Trong bối cảnh tại một DN có thể có nhiều hơn một tổ chức đại diện người lao động, thì việc tham vấn, đối thoại giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động trở nên phức tạp hơn, có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Việc thành lập ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc bao gồm đại diện của người sử dụng lao động và đại diện của các tổ chức của người lao động là để giải quyết khó khăn này. Bởi, thay vì phải tham vấn, đối thoại với nhiều tổ chức đại diện thì người sử dụng lao động chỉ cần đưa vấn đề ra thảo luận tại ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc. Đây không phải là một nghĩa vụ mới của người sử dụng lao động mà chỉ là quy định về cách thức thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện. Ban hợp tác không thay thế tổ chức đại diện người lao động trong việc thực hiện chức năng đại diện, không có chức năng đại diện người lao động để tiến hành thương lượng tập thể, tham gia giải quyết tranh chấp lao động…

Tiếp thu, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của đại diện lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường thì khi DN vì NLĐ, thì chắc chắn NLĐ sẽ vì DN. Liên quan đến những đề xuất về tuổi hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu của thế giới, Việt Nam đã tham gia vào thị trường thế giới, sân chơi mới, phải chơi luật chung. Vấn đề là cần tuyên truyền để NLĐ hiểu là việc tăng tuổi chỉ áp dụng đối với  người lao động bình thường, trong điều kiện bình thường còn đối với lao động nặng nhọc, độc hại thì không thay đổi.  Đối với thời gian làm thêm, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc tốt nhất để vừa tạo điều kiện phát triển cho DN, vừa bảo đảm quyền lợi của NLĐ; phải hài hòa thì mới tạo ra sự phát triển bền vững; những ngành nghề có tính chất mùa vụ như dệt may, thủy sản thì cần có sự điều hành linh hoạt, bảo đảm tính khả thi của Bộ luật.

Bài và ảnh: Đình Khoa