Luật nước sạch của Mỹ

Bảo đảm tính bền vững của nguồn nước

- Chủ Nhật, 20/10/2019, 09:02 - Chia sẻ
Luật Kiểm soát ô nhiễm nước liên bang năm 1948 là đạo luật quan trọng đầu tiên của Mỹ nhằm bảo vệ nguồn nước sạch. Để tăng cường sự quan tâm và nâng cao nhận thức cộng đồng, Luật đã được sửa đổi một cách sâu rộng vào năm 1972. Kể từ đó, văn bản pháp luật này thường được gọi dưới cái tên Luật Nước sạch.

Từ một dòng sông bị bốc cháy

Theo ông Randolph L.Hill thuộc Hội đồng phúc thẩm về môi trường, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Luật Nước sạch năm 1972 bắt nguồn từ sự kiện dòng sông Cuyahoga (Tiểu bang Ohio) bị “bốc cháy” vào tháng 6.1969.

Với chiều dài 160km và có lưu vực khoảng 2.100km2, dòng sông này chảy vào hồ Erie- vốn là một trong những hồ lớn nhất của Mỹ. Trong khi đó, hồ Erie nằm cạnh thành phố công nghiệp Cleveland, nơi tập trung rất nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp nặng như thép, giấy, hóa chất… Những chất gây ô nhiễm vừa độc hại, vừa dễ cháy được các nhà máy xả thẳng ra hệ thống cống thoát nước chung của thành phố và ra sông Cuyahoga.

Vì thế, bề mặt sông bị bao phủ bởi một lớp dầu dày, khiến cho hàm lượng oxy hòa tan trong nước bằng 0 và hầu như không có loài sinh vật nào tồn tại được. Vào mùa hè năm 1969, những tia lửa từ một đoàn tàu đi qua đã bắn xuống sông Cuyahoga. Thay vì tiêu tan vào nước như mong đợi, các tia lửa đã làm bùng cháy các chất dầu ô nhiễm trôi nổi trên bề mặt nước. Và đây không phải là lần đầu tiên dòng sông này bị bà hỏa tấn công. Năm 1936, sông Cuyahoga từng bị cháy lần đầu tiên khi tia lửa của đèn hàn đốt cháy mảnh vụn và váng dầu nổi trên mặt sông. Trong những năm sau đó, dòng sông tiếp tục bị cháy thêm một số lần, tuy nhiên vụ cháy năm 1969 vẫn là lớn nhất, đồng thời biến Cuyahoga trở thành tâm điểm của vấn đề ô nhiễm trên khắp nước Mỹ.

Một phong trào viết thư đã phát động và gửi tới Quốc hội yêu cầu phải có hành động để khắc phục tình trạng ô nhiễm của dòng sông cho dù trước đó ở Mỹ đã một số đạo luật liên quan đến kiểm soát và bảo vệ môi trường nước như Luật Sông và cảng biển (1899) Luật Kiểm soát ô nhiễm nước (1948)… Tiếp thu ý kiến của người dân, Đồi Capitol đã nhanh chóng thông qua sửa đổi Luật Kiểm soát ô nhiễm nước (1948) vào năm 1972 sửa thành Luật Nước sạch.

Có thể nói, Luật Nước sạch đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước của Mỹ. Thực tế đã chứng minh, nếu chỉ trong thế hệ trước, sông Cuyahoga đã bị ô nhiễm đến mức thường xuyên bị bốc cháy và không có sinh vật thủy sinh nào có thể sống sót trong vùng nước độc hại của này, thì nay sau hàng thập kỷ được lập kế hoạch cũng như đưa ra các quy định cẩn thận, dòng sông đã hồi sinh, đủ trong lành để tắm và câu cá.

Cho tới nay, Luật Nước sạch vẫn tỏ ra vô cùng hiệu quả, giúp phục hồi, duy trì, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm cung cấp nước cho nhu cầu của người dân và đem đến môi trường sống an toàn cho nhiều loài thủy sinh.


Nguồn: ITN

Hiệu quả và chặt chẽ

Cấu trúc chính của Luật gồm 3 phần: Thứ nhất, quy định nguồn ngân sách quốc gia dành cho chính quyền địa phương để xây dựng các công trình, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt cho các địa phương. Thứ hai, các bang phải áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nước cụ thể. Cuối cùng, tất cả các nguồn nước thải công nghiệp cũng như sinh hoạt thải ra môi trường đều bắt buộc phải có giấy phép xả thải.

Thực tế, Luật năm 1972 đã có nhiều sửa đổi quan trọng so với Luật năm 1948. Văn bản này đã xây dựng cấu trúc cơ bản để điều tiết chất thải ô nhiễm vào tài nguyên nước của Mỹ. Trao thẩm quyền cho EPA thực hiện các chương trình kiểm soát ô nhiễm như thiết lập các tiêu chuẩn nước thải cho ngành công nghiệp; duy trì các yêu cầu hiện có để thiết lập tiêu chuẩn chất lượng nước cho tất cả các chất gây ô nhiễm đối với nước bề mặt. Luật buộc tội bất cứ cá nhân nào xả chất gây ô nhiễm vào vùng nước mà tàu bè có thể đi lại được, trừ khi có giấy phép theo quy định. Giấy phép xả thải được EPA hoặc chính quyền các bang ban hành 5 năm một lần. Nó bao gồm các nội dung chính như các hạn mức thải, các quy định giám sát, lưu giữ và báo cáo. Việc không tuân thủ các điều khoản của giấy phép hoặc bất kỳ yêu cầu nào khác của Luật Nước sạch có thể bị truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự. Các hành vi vi phạm, chẳng hạn như xả thải mà không có giấy phép hoặc vượt quá mức ô nhiễm được cho phép sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể lên tới 32.500 USD mỗi lần vi phạm/ngày. Cá nhân cố ý vi phạm còn bị quy vào tội ác với bản án lên tới 15 năm tù giam. Ngoài ra, những thông tin về việc vi phạm xả thải của doanh nghiệp cũng sẽ được công khai minh bạch cho công chúng.

Luật cũng tạo điều kiện cho việc tài trợ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo chương trình tài trợ xây dựng. Luật nhận thức được sự cần thiết phải lập kế hoạch giải quyết các vấn đề nghiêm trọng do những nguồn gây ô nhiễm khuếch tán (nghĩa là không bắt nguồn từ một điểm nhất định hoặc không được thải vào dòng thu nhận từ một nguồn thải cụ thể) gây ra.

Luật Nước sạch sau đó tiếp tục được sửa đổi vào năm 1981, trong đó hợp lý hóa quy trình tài trợ xây dựng của thành phố, cải thiện năng suất của các nhà máy xử lý nước được xây dựng theo chương trình quốc gia. Đến năm 1987, sửa đổi luật loại bỏ chương trình tài trợ xây dựng, thay thế bằng Quỹ quay vòng kiểm soát ô nhiễm nước, thường hay được gọi là Quỹ quay vòng nước sạch. Chiến lược tài trợ mới này đã giải quyết nhu cầu chất lượng nước bằng cách xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các bang và  EPA. Lần sửa đổi gần nhất của Luật là năm 2002.

Ngọc Minh