Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

- Thứ Sáu, 24/04/2020, 17:51 - Chia sẻ
Sáng 22.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH đã tiến hành phiên họp toàn thể, thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, về nguyên tắc áp dụng Luật, có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 3 là không cần thiết. UBTVQH báo cáo, qua rà soát, các quy định của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác và không gây ra các xung đột pháp luật. Riêng Luật Các tổ chức tín dụng có quy định những điều kiện nhằm hạn chế hoạt động đầu tư chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để ngăn ngừa rủi ro và bảo đảm an ninh tiền tệ. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 3 được chỉnh sửa theo hướng giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán, cụ thể đã bỏ quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán so với dự thảo đã trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy.

Về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định giá chào bán thấp hơn mệnh giá sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều ý kiến nhất trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giữ điều kiện này ở mức 10 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị chỉ nâng lên mức 20 tỷ đồng. UBTVQH báo cáo, việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.


Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo
Ảnh: Quang Khánh

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, một số ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa các luật đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng. UBTVQH đã tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng nhằm bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải công ty đại chúng. Đồng thời, bảo đảm có đủ thời gian đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, một số ý kiến cho rằng, cần có điều khoản riêng quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các quy định mang tính nguyên tắc; có ý kiến đề nghị không quy định trong Luật để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; cho phép chào bán chứng khoán ra công chúng trên thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường khác. Mặt khác, hiện nay, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại dự thảo Luật.

Cần quy định rõ hơn về xử phạt vi phạm trong hoạt động chứng khoán

Các ĐBQH cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và cho rằng, với những điểm mới sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, dự thảo Luật sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó, giúp thị trường chứng khoán ngày càng công khai và minh bạch, đặc biệt, sẽ nâng cao được năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.


 ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 3 dự thảo Luật (quy định về áp dụng Luật Chứng khoán và các luật có liên quan) được chỉnh sửa theo hướng giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán, cụ thể đã bỏ quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán so với dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy. Cho rằng quy định tại Điều 3 phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật chuyên ngành, song ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) chỉ ra, có sự mâu thuẫn, không thống nhất trong nội tại dự thảo Luật khi Điều 29 lại quy định khác. Cụ thể, các Điều 1, Điều 2, Điều 3 quy định những vấn đề liên quan đến chứng khoán được điều chỉnh bởi luật này nhưng Điều 29 lại quy định "việc chào bán chứng khoán riêng lẻ (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan" là không thống nhất trong một dự thảo Luật. Một nội dung về chứng khoán lại giao cho hai luật điều chỉnh và cụ thể trong trường hợp này cho thấy hai luật không thống nhất với nhau. Nếu vẫn để Điều 29 sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, không thống nhất trong một luật và trong hệ thống luật hiện hành, gây lúng túng trong thực tiễn tuyên truyền, áp dụng luật. Do đó, ĐB Lê Xuân Thân đề nghị, việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp cần áp dụng theo quy định tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Nêu quan điểm về chứng chỉ lưu ký, ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng, dự thảo Luật đã quy định đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhưng lại chưa quy định cơ chế kiểm soát của Nhà nước đối với loại chứng khoán mới này. "Nếu không có cơ sở pháp lý cho kiểm soát thì chứng chỉ lưu ký sẽ không có đất sống", ĐB Huỳnh Thành Chung nhấn mạnh.


ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước)
Ảnh: Quang Khánh

Về quy định xử phạt sai phạm trong hoạt động chứng khoán, mặc dù dự thảo Luật có tăng mức phạt lên gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân, nhưng trong thực tế, không chỉ các công ty chứng khoán trực tiếp tham gia hoạt động chứng khoán mà còn có cả những cá nhân, tổ chức gián tiếp khác. Do đó, một số ĐBQH đề nghị, cần quy định rõ hơn trong trường hợp vi phạm, đối tượng vi phạm có thu nhập trái pháp luật trực tiếp hay không trực tiếp đều phải bị xử phạt.

Bảo Ngân