Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Bảo đảm tính thống nhất và minh bạch

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:11 - Chia sẻ
Có khoảng trống giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự hiện hành khi trường hợp người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không nằm trong nhóm tội phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ vừa không bị xử lý hình sự, vừa không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện đã khắc phục được bất cập này, song theo nhiều chuyên gia, vẫn cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của pháp luật.

Lấp đầy khoảng trống pháp luật

Bất cập này xảy ra do theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi trở lên, trong đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh nằm trong 4 nhóm tội (xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; xâm hại sở hữu; xâm phạm an toàn công cộng; tội phạm về ma túy). Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 95, Bộ luật Hình sự hiện hành, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong một số trường hợp. Nói cách khác, chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Bộ luật Hình sự có sự điều chỉnh mạnh mẽ, thay vì bị xử lý hình sự trong các vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì chủ yếu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, hoặc các biện pháp xử lý khác. 

Tuy nhiên, với quy định tại Điều 90 và Điều 92 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng sẽ được áp dụng với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong trường hợp thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý. Tương tự, điều kiện này cũng được áp dụng để xem xét đưa người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đưa vào trường giáo dưỡng.

Dẫn các quy định nêu trên tại Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thạc sỹ Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, đã làm phát sinh bất cập, khi người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không thuộc 28 tội trong 4 nhóm tội tại Điều 12, Bộ luật Hình sự thì vừa không bị xử lý hình sự, vừa không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Để khắc phục hạn chế này, Phó Vụ trưởng Lê Thị Vân Anh nhận thấy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý hành chính đã sửa đổi quy định tại Điều 92 Luật hiện hành, giúp lấp đầy khoảng trống pháp luật trong xử lý hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Nguồn: ITN 

Thiếu minh bạch, rõ ràng

Theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba sẽ được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nhưng theo TS. Nguyễn Ngọc Bích, Phó Trưởng bộ môn Luật Hành chính, Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội, quy định này tại dự án Luật chưa phù hợp với các quy định tại Bộ luật Hình sự về 4 tội danh (trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng và đánh bạc).

TS. Nguyễn Ngọc Bích cho biết, theo các quy định về 4 tội danh này tại Bộ luật Hình sự, nếu cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ được coi là một trong những dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này. Hay nói cách khác, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu vi phạm 2 lần trở lên trong 6 tháng đối với cùng một hành vi vi phạm chỉ được xem xét áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính nếu hành vi này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi dưới ngưỡng quy định xử lý hình sự).

Tại Khoản 53, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi có hai lần bị xử lý vi phạm hành chính trong 6 tháng với hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp… Với hành vi này, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng sẽ được xem xét khi có một trong các quyết định về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này khiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến và một số chuyên gia pháp lý băn khoăn. Bởi, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tiếp tục thủ tục tố tụng hình sự với bị can khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án. Việc sử dụng cụm từ “có một trong các quyết định về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự” tại quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo Phó Vụ trưởng Lê Thị Vân Anh, sẽ gây ra sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong quá trình áp dụng.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật hiện hành nhằm khắc phục trường hợp người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nằm trong nhóm tội phải chịu trách nhiệm hình sự vừa không bị xử lý hình sự, vừa không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Nhưng trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này thời gian tới sẽ cần tiếp tục rà soát các bộ luật, luật liên quan để tránh bỏ sót những điểm trống pháp lý, thiếu thống nhất hoặc quy định chưa minh bạch, rõ ràng.

Thanh Hải