Bảo toàn, phát triển bền vững Quỹ bảo hiểm xã hội

- Thứ Ba, 15/10/2019, 07:54 - Chia sẻ
Một trong những nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được quan tâm là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1.1.2021. Theo các chuyên gia, với lộ trình hợp lý cùng với sự phản ứng linh hoạt của thị trường lao động, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm ổn định cân bằng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều chỉnh theo lộ trình

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát và lâu dài của đất nước, bao gồm tạo sự tăng trưởng để chống sự già hóa dân số, bảo đảm bình ổn quỹ trong lâu dài cũng như tạo việc làm và sự tăng trưởng cho đất nước. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được tính toán thực hiện theo lộ trình, áp dụng với những lao động hoạt động trong điều kiện bình thường. Thời gian dự kiến điều chỉnh từ 1.1.2021, với lộ trình bảo đảm ổn thị trường lao động.

Theo dự thảo Bộ luật, dự kiến sẽ điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và tăng 4 tháng đối với nữ. Như vậy, đến năm 2028 mới có người đàn ông đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60. Có thể thấy rằng, số người nghỉ hưu từ nay đến năm 2028, bình quân mỗi năm khoảng 100.000 người, nhưng chỉ có 9.000 người nghỉ hưu ở độ tuổi tăng dần theo từng tháng.

“Tinh thần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, chứ không phải trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Với những lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm và ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ có cơ chế điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. Những đối tượng này có thể nghỉ hưu sớm hơn 5 năm. Đơn cử, trong ngành than sẽ có những người được nghỉ sớm hơn, nhưng cũng có những người nghỉ ở độ tuổi quy định chung. Do đó, trong quá trình thiết kế chính sách phải cụ thể hóa tới từng danh mục công việc, vị trí việc làm để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.


Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH và thị trường lao động Nguồn: ITN

Ổn định cân bằng Quỹ BHXH

Đối với những lo ngại về việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của giới trẻ và có thể xảy ra tình trạng “giữ ghế” ở nhóm cán bộ quản lý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, những người có trình độ cao, làm quản lý thì có thể phải xem xét để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu muộn hơn như những nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ… để tận dụng chất xám, tài năng của họ. Tuy nhiên, phải bảo đảm đủ các điều kiện như bản thân họ có muốn ở lại làm việc tiếp hay không, có đủ sức khỏe, đủ tiêu chuẩn để phục vụ tốt cho công việc hay không... Đáp ứng đủ các yêu cầu này mới có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu và số lượng này cũng không nhiều. Đồng thời, cũng có một nguyên tắc nữa, đó là khi ở lại chỉ làm công tác chuyên môn, không giữ chức danh quản lý. Như vậy, sẽ không có chuyện ở lại kéo dài để “giữ ghế”, chiếm chỗ của lớp trẻ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, từ năm 2035 - 2040, Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn dân số già tương đối lớn. Nếu đến năm 2035 - 2040 mới bắt đầu điều chỉnh thì sẽ phải gánh hậu quả rất lớn, thậm chí để lại gánh nặng cho thế hệ sau. Hiện nay, lao động trẻ đang dư thừa, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ vẫn cao, nên việc điều chỉnh tuổi nghỉ phải thực hiện sớm, đây là điều cần thiết cho tương lai.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, một trong những mục đích khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hướng tới bảo toàn, phát triển bền vững Quỹ BHXH. Theo đó, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian làm việc cũng như thời gian đóng BHXH sẽ tăng nguồn thu của Quỹ BHXH. Bên cạnh đó, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm giảm gánh nặng chi trả cho quỹ BHXH do giảm tốc độ tăng số người hưởng lương hưu và giảm thời gian hưởng lương hưu của người ra khỏi độ tuổi lao động.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý cùng với sự phản ứng linh hoạt của thị trường lao động, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm ổn định cân bằng quỹ BHXH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cầu lao động và nâng cao năng suất lao động. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề tất yếu bởi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số mạnh. Do vậy, việc xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nhằm mục đích “đi trước, đón đầu”, bởi nếu không chuẩn bị tốt sẽ tạo áp lực gây phản ứng mạnh của người dân.

Nhật Phương