Bảo vệ biên giới quốc gia trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

- Thứ Sáu, 08/03/2013, 08:33 - Chia sẻ
Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980. Trải qua các thời kỳ cách mạng, các bản Hiến pháp nước ta đã phát huy sức mạnh to lớn với vai trò là đạo luật gốc, đạo luật căn bản của Nhà nước ta, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, của dân tộc và lợi ích chính đáng của nhân dân ta trong suốt những thập kỷ qua.

Hiến pháp 1992 được sửa đổi lần này với mục đích tiếp tục phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, huy động trí tuệ, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân khi nước ta bước vào hội nhập kinh tế thế giới với tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, tự lực tự cường, xây dựng đất nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước cùng phát triển.

Với tinh thần và trách nhiệm của một công dân, tôi xin tham gia một số nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 như sau:

Điều 4 trong Chương I của Dự thảo quy định:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Tôi thấy, việc quy định tổ chức Đảng và đảng viên trong Hiến pháp là cần thiết. Tuy nhiên, nên quy định ngắn gọn, dễ hiểu hơn: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của toàn dân tộc Việt Nam; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Điều 8. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Xin sửa đổi như sau:

1. Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu sự giám sát của nhân dân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Chương IV về bảo vệ Tổ quốc: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong đó, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đó là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, do đó đề nghị chuyển Chương IV từ các Điều 69 đến 73 vào Chương I, chế độ chính trị và bổ sung nội dung bảo vệ biên giới quốc gia vào Điều 69, vì đó là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam.

Mỗi quốc gia đều được phân định thành đường biên giới và đều rất coi trọng bảo vệ biên giới. Đường biên giới quốc gia bao gồm trên đất liền, trên biển, hải đảo, trên không… Theo công ước quốc tế, mọi hành vi xâm phạm biên giới quốc gia đều bị coi là vi phạm luật pháp. Muốn bảo vệ Tổ quốc thì trước hết phải bảo vệ biên giới quốc gia. Nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia không chỉ là của lực lượng chuyên trách mà là trách nhiệm của công dân khi phát hiện hành vi xâm phạm. Do đó, tôi xin tham gia và thêm một ý trong Điều 69 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Bảo vệ biên giới quốc gia Việt Nam là quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, của mọi công dân.

Hoàng Kim Thái