Bất cập trong đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung

- Thứ Sáu, 17/07/2020, 05:20 - Chia sẻ
Mặc dù việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) tập trung tại các cụm công nghiệp (CCN) thời gian qua được UBND TP Hà Nội quan tâm nhưng trên thực tế, vấn đề này vẫn chưa đạt được kết quả như mục tiêu thành phố đặt ra. Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố NGUYỄN NGUYÊN QUÂN xung quanh vấn đề này.

Vẫn sử dụng công nghệ xử lý nước thải lạc hậu

- Qua giám sát, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố trong công tác đầu tư HTXLNT tập trung tại các CCN trên địa bàn Thủ đô thời gian qua?

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác bảo vệ mội trường, xử lý nước thải tại các CCN được thành phố đặc biệt quan tâm. Thực hiện chỉ tiêu “Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc quy chuẩn quốc gia" theo Nghị quyết của HĐND thành phố, đến nay toàn thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNT) tại 37/43 CCN, về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND thành phố. Trong đó, 26/43 CCN đã đầu tư xây dựng hoàn thành HTXLNT với công suất hoạt động từ 150 đến 4500m3/ngày/đêm; 11/43 CCN đã được UBND thành phố trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư HTXLNT tập trung. Hiện chỉ còn 6/43 CCN còn lại đang được triển khai theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Theo đánh giá, hiện một số CCN trên địa bàn thành phố vẫn dùng công nghệ xử lý nước thải lạc hậu, chất lượng nước thải sau xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định.
Ảnh: P. Long

- Qua giám sát thực tế. việc đầu tư HTXLNT tập trung còn những tồn tại, bất cập gì cần tháo gỡ, thưa ông?

Trước hết, hạ tầng kỹ thuật HTXLNT tại một số CCN, nhất là các CCN do UBND các huyện làm chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu quy định bảo vệ môi trường, không tách riêng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đồng thời, một số CCN đã có trạm XLNT tập trung nhưng hệ thống thu gom nước thải về trạm chưa hoàn thiện, dẫn đến tỷ lệ đấu nối nước thải của cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN chưa cao; một số CCN đã đầu tư xây dựng HTXLNT, tuy nhiên lượng nước thải thu gom về thấp hơn công suất thiết kế nên việc vận hành hệ thống XLNT không hiệu quả...

Đáng chú ý, một số CCN hiện vẫn dùng công nghệ xử lý nước thải lạc hậu, chất lượng nước thải sau xử lý tại một số CCN chưa đạt, tiêu chuẩn quy định; còn một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả ra môi trường, chậm được khắc phục...

Đẩy nhanh tiến độ những dự án đã được phê duyệt

- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến HTXLNT tại các CCN chưa đạt được các yêu cầu như thành phố đề ra?

Trước hết, do nguồn lực ngân sách thành phố, quận, huyện bố trí để đầu tư xây dựng trạm, HTXLNT tập trung tại các CCN còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc đầu tư HTXLNT tập trung chưa đồng bộ, công nghệ xử lý lạc hậu. Trong khi đó, hoạt động thu gom, xử lý nước thải công nghiệp đòi hỏi đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên khó thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong khi đó, tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc thu phí môi trường nước thải tại CCN, việc đầu tư xây dựng đồng bộ HTXLNT tập trung theo quy định.

Đặc biệt, một số chủ đầu tư CCN chưa chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về quan trắc môi trường tự động. Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN chưa cao, một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cố tình vi phạm.

- Đoàn giám sát Ban Đô thị có những kiến nghị, giải pháp gì để Hà Nội có thể làm tốt công tác xử lý nước thải tập trung tại các CCN trong thời gian tới?

Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư 11 HTXLNT đã được phê duyệt, đảm bảo hoàn thành trong năm 2020 để hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ và HĐND thành phố. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN được giao đầu tư HTXLNT trong giai đoạn 2 sớm triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, thành phố sớm ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2030, trong đó đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển đổi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các CCN... UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc chủ đầu tư các CCN có HTXLNT đến hạn phải gia hạn cấp phép xả thải phải duy tu, nâng cấp, đổi mới công nghệ xử lý nước thải để đảm bảo nước sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt, thành phố phải có kế hoạch thực hiện di dời các CCN không phù hợp quy hoạch theo lộ trình đã xác định.

PHI LONG (thực hiện)