Phát triển mỹ thuật ứng dụng

Bắt đầu từ đào tạo

- Thứ Tư, 16/10/2019, 08:51 - Chia sẻ
Làm thế nào để thúc đẩy mỹ thuật ứng dụng trong đời sống hiện đại? Đây là câu hỏi gây nhiều tranh luận tại tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và giải pháp” sáng 15.10. Nhìn vào các sản phẩm đang trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 - 2019) cho thấy, gần đây nhiều người đã quan tâm đến lĩnh vực này, nhận rõ vai trò của nó đối với cuộc sống, nhưng để chuyển từ nhận thức thành hành động là một quá trình dài.

Định hướng sáng tạo

Họa sĩ Hồ Nam, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật ngành mỹ thuật ứng dụng, Hội Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu bằng câu chuyện, ông từng vào làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội, thấy doanh nghiệp Hermes đặt 1.000 hộp sơn mài kích cỡ nhỏ, 20x20cm, với giá thành từ 2 - 3.000 USD/sản phẩm, dùng để tặng kèm sản phẩm túi Hermes. “Tính trung bình một ngày, 10 công nhân chỉ làm được 1/2 nắp hộp, có nghĩa nó được chế tác cực kỳ tinh xảo, mọi công đoạn đều là thủ công sơn mài truyền thống. Khỏi phải nói, nghệ nhân đeo kính lúp để làm sản phẩm, thậm chí bắt từng hạt bụi trên mặt hộp. Số sản phẩm ấy khi nghiệm thu chính thức chỉ được 250, còn lại bị doanh nghiệp loại bỏ. Nghệ nhân chúng ta làm được các sản phẩm như thế, tại sao không biết nhân rộng, hay chỉ để doanh nghiệp nước ngoài thuê mới chịu làm?”, họa sĩ Hồ Nam đặt câu hỏi.

Thực sự bất ngờ về kỹ thuật sơn mài của nghệ nhân Việt đã đạt đến mức độ điêu luyện, họa sĩ Hồ Nam cho biết, rõ ràng trên thế giới trình độ khoa học - công nghệ đã tiến xa, nhưng họ rất coi trọng nghệ thuật thủ công, bởi nó hơn hẳn thiết kế công nghiệp hiện đại. Nhiều trường đại học mỹ thuật trên thế giới không đào tạo mỹ thuật ứng dụng như chúng ta nhưng quan trọng là họ có những môn cơ sở để định hướng sáng tạo của nhà thiết kế và nhà thiết kế phải biết kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật thủ công của đất nước họ thì mới làm nên bản sắc.

Theo nhiều họa sĩ, các cơ sở đào tạo của chúng ta hiện nay đào tạo rất tốt, đúng theo nguyên tắc kết hợp giữa nhà trường và nhà thiết kế, nhưng ra cuộc sống nhu cầu của con người rất khác nhau. Vì vậy, các nhà quản lý cần tách rời hai lĩnh vực là thiết kế và nghệ thuật thủ công. Đây là 2 lĩnh vực rất riêng, lẫn lộn vào nhau sẽ không nhận được những sản phẩm tốt nhất, không đánh giá được tác động tích cực đối với các trung tâm thiết kế, nghệ thuật thủ công.


Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái được ưa chuộng

Gắn đào tạo với sản xuất

Theo nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Công nghiệp Ngô Anh Cơ, lâu nay sinh viên trường này tốt nghiệp khá “đắt hàng”, thậm chí nhiều người đang trong quá trình học tập đã có doanh nghiệp đến tìm. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy của phần lớn doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở mức độ giải pháp tình thế, “lấy ngắn, nuôi dài”, mà thiếu đầu tư dài hạn. Không ít doanh nghiệp khi đã có sản phẩm mới nào đó là quên ngay vai trò của họa sĩ và chỉ quan tâm đến những việc liên quan đến thương mại, thu lời, rất ít doanh nghiệp nghĩ đến việc đầu tư vào sản phẩm tiếp theo.

Mặt khác, các doanh nghiệp có liên quan đến mỹ thuật ứng dụng phần lớn sống bằng việc gia công mẫu mã cho nước ngoài hoặc sửa sang mẫu mã nước ngoài để làm hàng xuất khẩu; chưa có ý thức mua các mẫu của họa sĩ mỹ thuật ứng dụng về sản xuất. Đó là những lý do góp phần làm giảm ý chí sáng tạo của nghệ sĩ.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có tiếng nói chung, có sự đồng hành giữa nhà quản lý, nhà làm chính sách, nhà sản xuất và họa sĩ, nhà thiết kế. Đứng ở góc độ đào tạo, bảo đảm đầu ra bền vững cho sinh viên cũng như ý thức về vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong các doanh nghiệp. Ông Ngô Anh Cơ đã đưa ra ví dụ về phương pháp đào tạo ở các nước tiên tiến: Trước khi làm bài tốt nghiệp, sinh viên phải đi liên hệ ở các cơ sở sản xuất để tìm sự hỗ trợ cũng như bảo đảm đầu ra cho thiết kế của mình. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất nhận bảo trợ cho sinh viên sẽ được miễn giảm thuế kinh doanh ở mức độ nào đó. Như vậy, cả ba bên (nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên) đều có lợi.

Họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Văn Lang giải thích, nói đến mỹ thuật ứng dụng phải nói đến thiết kế và vai trò của doanh nghiệp, con đường từ trường học ra xã hội. Vấn đề đào tạo tại Việt Nam vẫn còn một số yếu kém: Hệ thống rời rạc, không kết nối, không tạo được sức mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường chú trọng lợi nhuận. Ở đây có sự tách rời, co cụm, cạnh tranh không lành mạnh, kể cả doanh nghiệp và nhà thiết kế. TS. Nguyễn Kim Hương, Khoa Thiết kế Thời trang, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp nhận định, tại Việt Nam hiện nay chưa kết nối được các nhà thiết kế tân tiến để có những sản phẩm phù hợp với đời sống hiện đại. Trong khi tại Hàn Quốc họ đã có những trang web riêng, thậm chí có cả cơ sở ở Hà Nội, nhằm kêu gọi các làng nghề cung cấp mẫu mã, sản phẩm, đưa lên trang web để thu lợi nhuận. “Việt Nam có nhiều làng nghề nhưng chưa kết nối được các công đoạn này. Hiện các nghệ nhân Việt đã biết sử dụng phổ biến internet, vì vậy cần xây dựng trang web riêng, có tính kết nối và phát triển bền vững, kể cả tính dân tộc, tính đặc trưng của vật liệu… cho các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng” - TS. Nguyễn Kim Hương kiến nghị.

Hồng Hà