Bế mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:14 - Chia sẻ
* Thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 6 tỉnh, thành phố * Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul

Chiều 11.2, sau hai ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 42. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc.

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, quyết định và thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội và Cần Thơ; Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cao Bằng; cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; và việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động

Kết luận nội dung liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao quyết tâm chính trị, cách làm bài bản, nghiêm túc việc triển khai Nghị quyết của Trung ương, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 1 (2019 - 2021) ở 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong đợt này, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết, sẽ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện để bảo đảm các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp kịp thời tổ chức đại hội đảng bộ các cấp theo đúng kế hoạch đề ra. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính; quan tâm đầu tư, phát triển để ổn định sản xuất đời sống nhân dân ở các đơn vị được sắp xếp; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới; bảo đảm đoàn kết thống nhất trong nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc. Chú ý sắp xếp, bố trí thực hiện tốt chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức sau sắp xếp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, báo cáo Quốc hội theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các địa phương để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời, có kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho giai đoạn 2 sắp xếp đơn vị hành chính (2022 - 2030) theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.3.2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.

Đề xuất tiếp thu 9 nội dung

Trình bày Báo cáo tóm tắt các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất tiếp thu 9 nội dung. Cụ thể gồm: tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; luật hóa quy định về đánh giá, phân loại đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; thay hình thức văn bản kết luận bằng nghị quyết phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữ số lượng Hội đồng, Ủy ban nhưng đề nghị đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; giữ quy định về số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như hiện nay; gắn quyền đăng ký tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của ĐBQH với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng, các Ủy ban; bổ sung quy định về hình thức hoạt động của ĐBQH hoạt động chuyên trách; quy định kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm. 

Về việc chuyển Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn (Ban) thuộc Quốc hội, bảo đảm tính đồng bộ về loại hình tổ chức và yêu cầu chuyên môn hóa đối với bộ máy tham mưu, giúp việc Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa nhất trí việc nâng cấp các Ban này thành các cơ quan thuộc Quốc hội vì chưa đủ lập luận về sự cần thiết.

Hiện tại, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện đã có Đề án chuyển Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị bổ sung vào Luật Tổ chức Quốc hội quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Theo đó, Ban Tổ chức đại biểu dân cử là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp việc Quốc hội, trực tiếp và thường xuyên là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về công tác đại biểu dân cử và tổ chức bộ máy, nhân sự của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện…

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thấy rằng, các Đề án này đã được Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, nêu rõ các căn cứ chính trị, pháp lý và có phương án cụ thể đề xuất về quy định về các cơ quan này trong Luật Tổ chức Quốc hội. Qua nghiên cứu, thảo luận bước đầu về Đề án của các Ban, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội như những lý do nêu trong các Đề án; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thuộc Quốc hội cơ bản vẫn là các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đang thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, đề nghị làm rõ hơn một số nhiệm vụ, quyền hạn còn có sự giao thoa, chưa rõ ràng với các cơ quan khác, giữa Ban Tổ chức đại biểu dân cử với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội. Hay, giữa Ban Dân nguyện với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Ban Tổ chức đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội… Việc bổ sung quy định về các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội cần được cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, củng cố thêm lập luận thuyết phục để bảo đảm phù hợp với yêu cầu Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến còn băn khoăn đề nghị trong các Đề án cần làm rõ hơn nữa về cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Bởi, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Ban, mục đích chủ yếu là để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện một số công việc về công tác dân nguyện và công tác cán bộ liên quan trực tiếp đến ĐBQH thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiệm vụ, quyền hạn và tính chất hoạt động của các Ban không có sự độc lập như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà luôn theo sự phân công, lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trực tiếp tham mưu và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện một số công việc cụ thể.

Chính vì vậy, Luật Tổ chức Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban này là phù hợp. Nay nếu chuyển các Ban thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội trong khi tổ chức bộ máy vẫn giữ nguyên, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thuộc Quốc hội cơ bản vẫn như hiện nay thì cần phân tích, làm rõ hơn vị trí pháp lý cũng như cơ chế, cách thức hoạt động của các Ban, trong đó đánh giá kỹ mối quan hệ trong việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban với các cơ quan khác như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm tương xứng với tính chất, vị thế mới và khả năng thực tế của bộ máy…

Nội luật hóa Công ước Istanbul

Cho ý kiến về ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm nội luật hóa Công ước và nêu rõ, những vấn đề Chính phủ nêu trong Tờ trình về việc phê duyệt dự thảo Nghị định được quy định rất rõ tại các điều khoản trong Luật Điều ước quốc tế 2016 cũng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên họp thứ 14 (tháng 9.2017), Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ ký kết Công ước Istanbul. Ngày 26.9.2017, Tổng thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1134/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến các Văn kiện hợp tác quốc tế tại phiên họp thứ 14, trong đó nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa; đồng thời, giao Chính phủ thực hiện việc nội luật hóa các quy định của Công ước thành các quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam… Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Về khoản thu phí cấp sổ tạm quản (ATA), theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đa số ý kiến nhất trí với quy định thu phí cấp sổ ATA trong dự thảo Nghị định bởi lẽ: Tại điển d, Điều 1 Công ước và điểm a, Điều 1 Phụ lục A quy định “Chứng từ tạm quản là chứng từ hải quan quốc tế được chấp nhận như một loại tờ khai hải quan cho phép nhận diện hàng hóa (bao gồm cả phương tiện vận tải) và dùng để bảo đảm thanh toán quốc tế các khoản thuế nhập khẩu và thuế khác”. Theo đó, khi triển khai thực hiện cơ chế tạm quản hàng hóa, cơ quan hải quan căn cứ ATA để thực hiện thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa. Như vậy, theo các nội dung trên, sổ ATA là tờ khai hải quan, là chứng từ để người khai hải quan và cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa cũng như để phục vụ các công việc liên quan khác như kiểm tra sau thông quan… Bên cạnh đó, tại điểm 3, mục XI Phụ lục số 1 Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 quy định phí hải quan là phí thuộc lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính quy định. Theo đó, tại điểm c khoản 1, Điều 25 Dự thảo Nghị định đã quy định: “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quy định mức thu, chế độ thu, nộp, kê khai, quản lý và sử dụng phí cấp sổ ATA theo quy định của pháp luật phí và lệ phí”.

Có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách chưa tán thành với quy định thu phí cấp sổ ATA trong dự thảo Nghị định này vì Công ước và pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng không quy định về thu phí cấp sổ ATA. Hơn nữa, theo dự thảo Nghị định, cơ quan thu phí cấp sổ ATA không phải cơ quan hải quan mà là cơ quan cấp sổ và theo Luật Phí và lệ phí thì chỉ có phí hải quan, trong khi dự thảo Nghị định là phí cấp sổ ATA. Theo danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí thì phí cấp sổ ATA không có trong danh mục, do đó đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung loại phí này vào danh mục phí, lệ phí và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.
Cho ý kiến về vấn đề này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định thống nhất thì coi phí cấp sổ ATA là một loại phí hải quan nằm trong danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, do Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn và không phải ban hành theo danh mục gì mới. Về việc phân công cho cơ quan cấp sổ ATA, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, đây là thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể cho ý kiến, chỉ đạo vấn đề này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm nội luật hóa Công ước. Những vấn đề mà Chính phủ nêu trong Tờ trình về việc phê duyệt dự thảo Nghị định được quy định rất rõ tại các điều khoản trong Luật Điều ước quốc tế 2016 cũng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Cụ thể, Chính phủ sẽ thực hiện theo Khoản 1, Điều 6 Luật Điều ước quốc tế 2016; Khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có thông báo gửi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn.

Hoàng Ngọc - Thanh Chi