Bên bếp lửa (Phần cuối)<br><i>Truyện ngắn của</i> Tống Ngọc Hân

- Thứ Năm, 08/01/2015, 08:46 - Chia sẻ

>> Bên bếp lửa (Phần 1)

Hôm ấy, bố gọi tôi ngồi xuống cạnh bếp. Người Tày vốn coi ngọn lửa, thần bếp là thiêng nhất nên thề thốt hứa hẹn gì đều lấy ngọn lửa chứng cho lòng dạ. Bố nói nhỏ với tôi “Từ giờ, việc cơm nước của chựa, bố giao cho mày”. Rồi bố khẽ đánh mắt ra ngoài cửa sổ. Chỗ ấy, em gái tôi đang ngồi cạnh khung cửi, tỉ mỉ gỡ những cái hạt đen nhánh ra khỏi những túm bông trắng muốt. Rồi bố lại hất hàm về phía buồng chị dâu, buồng mẹ. Có vẻ bố không tin bất cứ người đàn bà nào trong nhà này. Có vẻ cái mác thầy giáo của tôi được bố tin tưởng.

 Một hôm, ở trường về sớm, tôi bắt gặp mẹ đang dùng vạt áo thằng cháu nội lau nước mắt mình. Thấy tôi, mẹ cúi xuống, vờ thổi lửa và húng hắng ho như thể phải khói. Đã từ lâu, tôi không còn được nhìn sâu vào mắt mẹ. Mẹ luôn tránh những cái nhìn của tôi. Tôi vội vàng trở ra cầu thang ngồi. Bà nội thường bảo, chín bậc cầu thang nhà sàn được ví như chín cái vía đàn bà. Bậc thang trên cùng mà tôi đang ngồi là cái vía của những người đàn bà được làm mẹ. Vì thế những đứa trẻ ngóng mẹ đi làm hay đi chợ về thường ngồi ở bậc thang trên cùng, nơi cao nhất, để có thể nhìn xa nhất. Hồi bé, chúng tôi vẫn thường ngồi trên bậc thang này mà nhìn ra đồng lúa rộng miên man phía trước nhà. Hễ thấy một bóng áo chàm, tôi lại rối rít gọi mẹ. Giờ mẹ ở trong bếp, từ hôm cháy nhà, suốt ngày mẹ luẩn quẩn trong bếp nhưng tôi vẫn ngồi đó để nghĩ về mẹ.

 “Chựa gầy đi thì phải”. Nghe bố nói vậy, tôi gắng để ý. Nhưng cả chục năm nay chựa chỉ có da với xương thôi, giờ chựa có gầy thêm nữa thì cũng vẫn là xương với da. Tôi chỉ biết ngày ngày thay mẹ ba lần bưng cơm cho chựa để bố yên tâm và thực lòng tôi rất thương chựa. Chựa vẫn ngồi kia, bình thản nghênh lửa. Lửa vẫn cười ro ro. Ông nội bảo “Lửa cười người no”. Thì đấy, mùi xôi nếp tỏa ngào ngạt. Mùi thịt gà luộc thơm ngậy đi khắp năm gian nhà, ngấm vào từng thớ lá cọ, từng nút lạt buộc trên mái. Đến con mọt trên vách cũng ngừng nghiến răng. Đến con chuột cũng phải chui ra khỏi hốc cột mà ngẩn ngơ. Bà nội, mẹ, chị dâu ngồi quây quần bên bếp. Người xé măng, người nhặt kiệu, người cạo khoai. Ba thế hệ làm dâu ngồi chung với nhau trong yên ắng. Không gian nhà sàn, khi không có tiếng nói cười, giống như một khu rừng lúc vào thu. Tôi treo cặp lên cột, muốn xua cái không khí ảm đạm ấy đi. “Nhà mình có khách hả mẹ?” Mẹ gật đầu, kiệm lời “Ừ, thông gia sắp sang chơi con ạ”. Cuộc đối thoại ngắn ngủi của hai mẹ con giống như tiếng của những chiếc lá vàng đậu xuống thảm cỏ khô.


Minh họa của Thúy Hằng
 Thông gia là bố mẹ của chị dâu. Bà ấy chỉ trạc tuổi mẹ tôi, khoảng bốn nhăm gì đấy, còn ông ấy thì lớn hơn bố tôi độ hai tuổi, nhưng cho phải phép, họ vẫn gọi bố mẹ tôi bằng anh chị. Đặt chân lên nhà sàn, sau khi rửa chân ngoài máng nước, việc đầu tiên là thông gia tiến vào bếp chính để chào và hỏi thăm chựa. Họ biếu chựa một miếng cao trăn để chựa ngâm rượu uống cho giãn gân giãn cốt. Sau đó họ vào buồng, hỏi thăm ông bà nội. Họ biếu ông bà nội tôi một ít tiền thì phải vì ông bà vẫn cậm kịch lên xuống cầu thang mỗi ngày và vẫn thích tiêu tiền. Sau đó bố tôi đưa ông bà thông gia đến cái chiếu hoa trải sát cửa sổ gian khách để ngồi trà nước và chuyện trò cho thoáng. Ông thông gia gặp câu chuyện thời sự làng nước của bố tôi thì như hổ về với đàn. Bà thông gia nhấp một ngụm trà chiếu lệ, khen cánh đồng lúa trước cửa nhà xanh tốt chiếu lệ rồi trở ra bếp. Bà tranh thủ chuyện trò với con gái và nựng nọt thằng cháu ngoại đẹp như tranh của bà.

 Nhà tôi không đông người, nhưng cứ có một vài khách là phải sắp bốn mâm cơm. Chựa một mâm ở ngay cạnh chỗ nằm. Ông bà nội một mâm ở trên cái phản gỗ kê ngay phía dưới ban thờ, cách mâm cơm khách chỉ có một cái bếp lửa ở chính gian giữa mà chỉ đàn ông con giai khỏe mạnh mới được ngồi cùng khách. Còn tất cả đàn bà trẻ con trong nhà thì ngồi ngay ngoài bếp nấu nướng, nơi sặc mùi măng chua bốc ra từ những cái vại sành bịt không kín và tiếng nước chảy từ máng lần vào chum lóc bóc suốt ngày đêm.

 Bữa cơm khách ấm áp, ngọt ngào với rượu nếp cái và những câu hát vui đối đáp đến hai giờ chiều mới xong. Bố treo cây đàn tính tẩu lên vách rồi tạm ngả lưng. Anh Khiêm chống mảng đưa bố mẹ vợ về bên kia suối. Đứa em gái vừa giúp chị dâu dọn dẹp bát đũa vừa bậm bục. Mẹ đang chuẩn bị lá thuốc và cọ nồi nước tắm, cho chính mẹ hay ai đó trong nhà thì tôi cũng không rõ. Không thấy chựa ngồi lửa như mọi khi, cũng không thấy chựa ho tiếng nào từ trưa tới giờ. Tôi đi vào chỗ nằm của chựa. Không thấy hơi thở khò khè của chựa, cũng không thấy tiếng bụng sôi òng ọc của chựa như những bận nhà có cỗ. Tôi nắm lấy tay chựa lắc lắc. Bàn tay chựa lạnh ngắt…

 Bố đặt tay lên ngực và bụng chựa một lát rồi lắc đầu. Mắt bố vằn lên “Trưa nay đứa nào dọn mâm ra, chựa có ăn uống gì không?” Mẹ nhìn lướt qua những đứa con. Không có ai đối mặt với cơn thịnh nộ của bố cả. Mẹ cúi đầu, lí nhí “Có, chựa có ăn mà’. Bốp. “Ăn mà chựa thế này hả?” Mẹ nhận ngay một cái tát phũ phàng của bố. Việc này cũng thường thấy. Nhiều lúc bố đánh mẹ là để giải thoát mình ra khỏi cơn say. Cứ tỉnh rượu đã, rồi sai đúng bàn sau.

 Bố đã tỉnh hẳn và mẹ lại bẽ bàng nhận thêm mấy cái tát nữa trước đông đủ cả nhà. “Tại sao chúng mày nỡ đối xử với chựa như thế? Hả cái lũ bất hiếu?” Mẹ đang ốm dở, người yếu ớt nên ngã dúi dụi xuống sàn. Thằng con anh Khiêm khóc thét lên.

 Chựa nằm ngửa trên đệm, mắt lim dim mãn nguyện. Bố gục đầu trên ngực chựa. Cái áo bông khô cong của chựa nuốt chửng những giọt nước mắt lã chã đau đớn của bố. Tay bố cứ đấm xuống sàn nhà phình phịch như thể chính bố mắc tội bỏ đói bỏ rét chựa đến chết. Đôi bàn tay run rẩy, mẹ đánh hỏng cả chục que diêm. Mẹ đang cố nhóm lửa cạnh chỗ nằm của chựa. Một lần nữa, tôi cố tìm ánh mắt mẹ mà không thấy. Tôi ân hận vì những cái tát của bố trong giờ phút hệ trọng này. Tại sao tôi không nói với bố, rằng tôi là người dọn mâm ra?

 Khúc củi nuôi thần bếp vừa hóa thân thành cục than đỏ lừ. Tháng giêng vừa vặn hết. Tôi thấy giá buốt dâng ngập năm gian nhà sàn. Giá buốt như phả ra từ cây cột chựa vẫn ngồi dựa lưng. Mặc dù ông nội đã ngồi ở đó, chỉnh tề với khăn đội đầu mới quần áo mới và đôi giày vải cũng mới. Ông đưa hai bàn tay lên ngang mặt bấm bấm, đếm đếm. Sau cái hắng giọng đầy uy quyền của ông, tất cả người trong nhà đều tề tựu đông đủ bên bếp lửa. Ông nhìn quanh một lượt. Từ bà nội tôi tóc bạc như túm bông trên đầu đến thằng con anh Khiêm đầu trắng hếu chưa đủ tóc. Ông nói nhỏ, chậm từng tiếng một “Thứ nhất, ngày kia mới được ngày vào đám. Thứ hai…” Ông ngần ngừ một lát, đôi mắt không còn tinh tường khẽ liếc qua con dâu và cháu dâu. Tôi có cảm giác ông đang sợ sệt điều gì. Giọng ông khè khè, khó nhọc “Bỏ cái tục lệ ấy đi. Ta đã quyết”.

Bố nghiến răng, tay nắm chặt, định cất lời thì đám đàn bà trong nhà đã đồng loạt đứng dậy, tản mát. Tôi thấy nước mắt ông nội rỉ ra. Còn nước mắt bố vo tròn từng giọt lăn nhanh qua đôi gò má rám nắng, tuột rơi xuống sàn nhà bằng dát bương nhẵn thín.

 Đàn lợn thấy người thì rống lên ầm ầm đòi bữa. Tôi đi đến nồi cám lợn to đậy vung để ngoài cửa chuồng. Dù mấy hôm nữa chúng lần lượt bị hóa kiếp thành thực phẩm nhà đám thì cũng phải cho chúng ăn cái đã. Lâu lắm rồi tôi mới cho lợn ăn. Việc này, vốn chỉ là của mẹ. Mấy hôm nay mẹ ốm, chắc ai đó cho lợn ăn thay mẹ. Phải cho chúng ăn thật no. Mọi việc vẫn phải diễn ra thật bình thường trong hai ngày, như thể chựa vẫn nằm đó ngủ. Múc cám ra máng, tôi rụng rời tay chân khi thấy lẫn trong cám ngô vàng óng là miếng bánh tro rán, nắm xôi màu tím. Cả những miếng thịt gà nạc, những miếng thịt lợn muối và ít rau đắng xào tỏi. Mùi rượu sộc lên. Đó là bữa trưa của chựa mà chính tay tôi bưng vào, nhưng ai là người dọn ra và vùi chúng vào nồi cám lợn thì tôi không biết.

 Bầy lợn sục sạo trong máng mò tìm thức ăn của người một cách thành thục. Khi không mò được gì nữa, chúng hếch mõm, chống hai chân trước lên văng chuồng nhìn chủ và réo lên vòi vĩnh. Thì ra quãng thời gian chựa bỏ bữa lâu chóng không rõ nhưng cũng đủ tạo cho mấy con vật nuôi tưởng chừng ngốc nghếch một thói quen. Giờ tôi mới hiểu, năm gian nhà sàn mênh mông này, ấm hay lạnh là do những người đàn bà chứ không phải do lửa từ ba cái bếp vẫn đỏ rực suốt năm suốt tháng.

 Tôi nắm chặt lấy vạt áo bà nội “Tục lệ gì vậy hả bà?” Bà lật đật tra thêm củi vào bếp, mắt hấp háy nhìn kỹ để cố phân biệt tôi và anh Khiêm, hai thằng cháu trai sinh đôi giống nhau như hai giọt nước “Con trai họ Chu nhà này từ đời xưa đến giờ chỉ kén vợ đẹp. Thế nên mới có cái tục đánh mẹ chồng để uốn nắn con dâu mới về. Để đuổi con ma lú ra khỏi người thằng con trai nếu không sẽ bị cái đẹp sai khiến, làm cho mụ mị. Mẹ mày đẹp người, đẹp cả nết nên bà chỉ bị ông đánh có một lần. Nay, thằng Khiêm cưới vợ mấy mùa cốm rồi, mẹ mày vẫn bị đánh. Rõ khổ. Chẳng biết nền nếp gia đình, rồi sẽ về đâu. Con ơi, đừng thấy hoa đẹp mà cố hái cho bằng được…”

 Trước khi biến báo với họ hàng gần xa bà con hàng xóm về sự ra đi của tộc trưởng, tất cả những người đàn ông trong gia đình tôi ngồi lại bên bếp chính. Mỗi người bám đuổi một suy nghĩ. Tôi cố tưởng tượng ra hình hài con ma lú. Con ma từng ẩn nấp trong người chựa rồi đến nội. Nó cũng từng ở trong bố tôi, giờ nó ở lì trong người anh Khiêm. Không biết anh vừa lẩm bẩm câu gì mà bếp chợt bùng lên ngọn lửa xanh lét ma quái. Lửa như những mũi kiếm sắc chồm lên cao, đâm vào căn gác trĩu trịt bồ hóng. Bồ hóng thức giấc, lóe đỏ lần cuối cùng trước khi kịt đen vĩnh viễn. Bố tôi nhíu mày trước những âm thanh lạ lùng mà ngọn lửa phát ra. Ông nội rút một cây củi đang cháy, dụi xuống đám tro, giọng ông hao hụt. Lửa khóc rồi.