Bên cương quyết, bên chẳng mặn mà

- Thứ Ba, 28/07/2020, 09:39 - Chia sẻ
Hôm qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, Berlin đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia trở lại Nhóm các nền kinh tế phát triển G7. Ngược lại, bản thân Nga cũng cho thấy không mấy mặn mà với việc tái gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế lớn của thế giới.

Vì sao Đức lắc đầu?

Theo Reuters, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay, ông không nhận thấy có cơ hội để Nga trở lại G7 (gồm những nền kinh tế phát triển nhất thế giới như  Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ), chừng nào vẫn không đạt được tiến triển đáng kể trong giải quyết xung đột ở Crimea cũng như khu vực miền Đông Ukraine. Trong khi đó, vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa đề xuất mở rộng G7 với Nga, nước đã bị loại khỏi nhóm (lúc đó là G8) sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga năm 2014. Nhà lãnh đạo ngoại giao Đức khẳng định, Nga chỉ có thể quay lại nhóm khi mang đến giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Trước đó, Anh và Canada cũng từng phản đối đề xuất của người đứng đầu Nhà Trắng.

Nguồn ITN

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cho rằng, dù quan hệ với Nga hiện vẫn khó khăn trong nhiều lĩnh vực, song cũng cần thừa nhận, thế giới cần Nga để giải quyết các cuộc xung đột như ở Syria, Libya và Ukraine. Đức đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên 6 tháng của EU từ ngày 1.7 và đảm nhận vai trò trung gian trong vấn đề xung đột ở Libya và Ukraine.

Cuối tháng 5 vừa qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Mỹ vào tháng 6, sự kiện ông từng cho là biểu tượng của nước Mỹ “trở lại vĩ đại”. Song ông ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi công bố kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng 9, với đề xuất mở rộng thành viên cho Nga, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Thực tế, Tổng thống Donald Trump luôn muốn hiện thực hóa điều ông từng nói khi tranh cử và trong các cuộc họp thượng đỉnh lần trước là đưa Nga trở lại G7. Năm 2018, ông từng tuyên bố: Dù bạn thích hay không, chúng ta cần Nga để giải quyết các vấn đề thế giới. Chúng ta nên gọi Nga quay trở lại và có mặt tại bàn đàm phán”. Từ lâu, Tổng thống Mỹ đã muốn cải thiện quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, song gặp sự phản đối mạnh mẽ từ lưỡng đảng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mass nhận xét: “G7 và G20 vẫn là hai định dạng hợp tác hợp lý. Chúng ta không cần G11 hoặc G12 nữa”, ám chỉ những quốc gia được Tổng thống Donald Trump đề xuất mời tham gia nhóm.  

Ra khỏi G8 nhưng Nga vẫn là thành viên G20, nhóm 20 nền kinh tế lớn, bao gồm G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Hàn Quốc, Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Ảrập Xêút, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Khi các nước đang phát triển bắt đầu đại diện cho phần lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu, sự thiếu vắng một diễn đàn về các vấn đề tài chính quốc tế, trong đó có các nền kinh tế mới nổi trở nên rõ ràng hơn. Để bù đắp cho thiếu vắng đó, G20 đã ra đời và chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới. Nó càng nổi bật hơn khi có G7 đứng bên trong.

Nguồn ITN

Thiếu G7, Nga vẫn “sống tốt”

Kể từ 2014, khi Nga hứng chịu đòn trừng phạt đầu tiên từ phương Tây, liên quan tới việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga, đến nay sau 6 năm, căng thẳng hai bên vẫn còn đó. Lý do phương Tây trừng phạt Nga cũng trở nên đa dạng hơn, từ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, chi phối đời sống chính trị, hoạt động “thiếu minh bạch” tại Ukraine, Syria, can thiệp kiểm soát vũ khí ở châu Âu, vấn đề Triều Tiên hay gần đây nhất là tin tặc Nga đánh cắp nghiên cứu vaccine Covid-19… Tháng 6 vừa qua, đại diện thường trực 27 quốc gia thành viên EU tiếp tục nhất trí gia hạn một năm các biện pháp trừng phạt Nga trong vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea và Sevastopol, kéo dài tới ngày 23.6.2021. Đây là năm thứ sáu liên tiếp EU kéo dài các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát quốc tế, kể từ khi Nga rút khỏi G8, G7 đang dần chuyển sang vai trò mới, từ một tổ chức thiên về giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu thành một tổ chức có xu hướng bảo vệ hệ tư tưởng và những giá trị phương Tây. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng, Nga nhận thấy vẫn còn những cơ hội tốt khác thay vì chạy theo G7 mà chẳng có lợi ích gì.  

Xứ sở Bạch Dương sau đó tập trung phát triển các mối quan hệ quốc tế khác thực tế, hiệu quả hơn, trong đó nổi bật là tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS và các nước khác trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á - Âu, Hội đồng Bảo an LHQ, G20… những tổ chức hoàn toàn thay thế được G8…

Có thể lấy một ví dụ cụ thể để thấy rõ những lợi ích to lớn của các mối quan hệ khác ngoài G7 mang lại như sau: Nếu sản lượng kinh tế của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi những năm 1990 chỉ chiếm 25% tổng sản lượng toàn cầu, thì một năm sau khi Nga bị khai trừ khỏi G8 đã tăng lên 56%. Chưa hết, với 85% tổng dân số thế giới, các nước BRICS kiểm soát khoảng 70% dự trữ ngoại tệ thế giới.

Trong số những mối quan hệ phát triển mạnh hơn của xứ sở Bạch Dương, cái bắt tay gần gũi Nga - Trung khiến Mỹ và phương Tây rất không hài lòng. Vì ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế từng nhận định, việc Washington muốn mở rộng G7 là để củng cố vị thế của mình trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh và muốn liên kết với Nga ngăn chặn Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang thời gian gần đây cùng với việc đôi bên đóng cửa các cơ quan ngoại giao của nhau, Điện Kremlin đã tuyên bố, Nga sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào nhằm chống lại bất kỳ ai, đặc biệt là chống Trung Quốc. Trước đó, hôm 23.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi thành lập “liên minh mới” để đối phó với Trung Quốc.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Trung Quốc là “đối tác của chúng tôi”, và hai nước đã phát triển “các mối quan hệ đối tác đặc biệt”. Ông nói thêm rằng, tất cả liên minh mà Nga tham gia đều nhằm phát triển các mối quan hệ tốt đẹp - hòa thuận và cùng có lợi. Nhiều nhà bình luận cho rằng, Nga đang chứng minh mình hoàn toàn “sống tốt” dù có hay không căng thẳng với phương Tây.

Linh Anh