HĐND TP Hà Nội thảo luận kinh tế - xã hội:

Biến mảng văn hóa xã hội thành động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển

- Thứ Hai, 13/07/2020, 15:20 - Chia sẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận KT - XH, một số ý kiến đề xuất về thu hút du lịch nội địa, Hà Nội cần đầu tư xây dựng những mô hình du lịch sáng tạo hay du lịch trải nghiệm, đầu tư biến mảng văn hóa xã hội thành động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển.

Cần khảo sát chất lượng dịch công trực tuyến 

Đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) cho rằng, Hà Nội là trái tim của cả nước nên TP tới đây cần tập trung vào công tác giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại… là thế mạnh của những TP lớn. Do đó, cần thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề văn hóa xã hội. Theo đại biểu, hiện Thành phố đã cung cấp dịch vụ cho hơn 5.000 học sinh nước ngoài, trong tương lai với tình hình dịch bệnh và niềm tin vào sự an toàn của Việt Nam, nhiều người sẽ chọn sinh sống ở Việt Nam, là cơ hội rất lớn cho Hà Nội.

Đại biểu cũng cho rằng, về thu hút du lịch nội địa, cần đầu tư xây dựng những mô hình du lịch sáng tạo hay du lịch trải nghiệm, đầu tư biến mảng văn hóa xã hội thành động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Đồng thời, cần thay đổi cách nghĩ về thị trường nội địa, không chỉ cung cấp cho người dân trong nước mà cần cung cấp dịch vụ cho những người nước ngoài tại Việt Nam, thu hút trí tuệ thế giới về Việt Nam.

Để làm được điều này, cần tăng cường nội lực, khắc phục sự chênh lệch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các sở ban ngành, tránh hiện trạng "nơi cung cấp nhanh đến ngỡ ngàng, nơi thì chậm trễ đến ngỡ ngàng". Cần khảo sát chất lượng dịch vụ tại từng quận huyện, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Cùng đó, đại biểu đề nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn TP, trong đó có một cách là thay đổi chính sách tính thuế thu nhập cá nhân, nhằm để người dân khôi phục năng lượng và nâng cao chất lượng làm việc.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Thị Hằng đánh giá, trong đại dịch Covid-19, mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng nông dân Thủ đô đã đoàn kết, chung tay phòng, chống dịch, nỗ lực phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Tuy nhiên, TP Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo rà soát thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 30 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, quan tâm các giải pháp đầu tư xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, tăng cường nguồn vốn đầu tư công xây dựng hạ tầng cho các xã chưa đạt chuẩn. Đồng thời, quan tâm xã hội hóa xây dựng nông thôn mới, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp cho phù hợp” – đại biểu Dương Thị Hằng đề xuất.

Cần triển khai quy hoạch Thành phố mới

Đại biểu Dương Đức Tuấn (Tổ ĐB quận Hoàn Kiếm) cho rằng, 6 tháng đầu năm, TP đã mất một nửa thời gian để phòng, chống dịch bệnh. Trong tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, sức ép để thực hiện mục tiêu kép để đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước là rất lớn. Vì thế, rất cần sự chỉ đạo điều hành tập trung, khắc phục các khó khăn, trong đó nhiệm vụ số 1 là phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ số 2 là trong trạng thái “Phát triển bình thường mới” cần phải phục hồi, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội với quyết tâm cao nhất và rất cần phải thiết lập Ban Chỉ đạo TP hợp nhất phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Theo đại biểu, cần triển khai Quy hoạch TP mới, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng mới theo Luật Quy hoạch. Theo đó, cần thiết phải tiếp tục triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phủ kín quy hoạch cấp dưới theo thứ tự, tầng bậc; xác định các đồ án quy hoạch trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2020, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư phát triển...

Đồng thời, rà soát, lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng và lưu ý việc đề xuất mở rộng ranh giới phát triển khu vực đô thị phù hợp, đảm bảo hiệu quả về đô thị hóa, hiệu quả về kinh tế đô thị và tái cấu trúc mô hình không gian đô thị trung tâm, phát triển cân bằng Nam sông Hồng, Nam sông Hồng, đặc biệt là trục trung tâm sông Hồng của đô thị trung tâm, hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô.

'Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng sẽ tích hợp vào quy hoạch TP triển khai theo Luật Quy hoạch mới là hết sức quan trọng, phù hợp với pháp luật và định hình phát triển tổng thể không gian TP Thủ đô", đại biểu Dương Đức Tuấn phát biểu thảo luận.

Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch nội địa

Đại biểu Nguyễn Minh Chung (tổ ĐB huyện Thanh Oai) cho rằng, đại dịch Covid-19 cùng các chính sách bảo hộ nội địa của các quốc gia lớn đã làm nổi lên vấn đề bảo toàn, phát huy nội lực của các nước, nên du lịch nội địa cần được coi trọng.

TP đã có nhiều chương trình quảng bá du lịch Hà Nội, song cần phát triển mạnh hơn các chương trình để 6 tháng tới có thay đổi mạnh mẽ. Trong mùa thu tới có dịp 2/9, 10/10, Đại hội Đảng bộ TP, nên có thể thực hiện tour Hà Nội mùa thu; khai thác thế mạnh từ các sản vật, ẩm thực, làng nghề của TP… để kêu gọi đầu tư, nên cần có chính sách cụ thể.

Về chương trình kích cầu, cần có chương trình trọn gói 3 đêm, 5 đêm… gồm cả tour ăn, uống, ngủ, nghỉ…, nhất là mùa hè này cần khai thác những thế mạnh về văn hóa, của ngon vật lạ của Hà Nội. Cùng đó, việc quảng bá không chỉ trong TP mà liên kết quảng bá trên toàn quốc, có sự chỉ đạo để phối hợp có quảng bá trên báo, đài của các tỉnh, TP khác; mời các giám đốc Sở Du lịch các tỉnh về Hà Nội, để có chương trình các tỉnh quảng bá cho Hà Nội và Hà Nội quảng bá cho các tỉnh.

Trước mắt trong lúc này, TP đã có Nghị quyết 06 về phát triển du lịch, nhưng đến nay chưa có những ưu đãi cụ thể từ các bộ ban ngành, nên TP cần tập hợp kiến nghị từ các nhà đầu tư về các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí… để có chính sách, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội, như về vay vốn ưu đãi dành cho nhà đầu tư, các chi phí giảm trừ tác động trực tiếp đến kinh doanh khách sạn…

ĐB Nguyễn Hoàng (Tổ ĐB Phú Xuyên) đề xuất TP nghiên cứu quy hoạch lại tổng thể các ngành phát triển KTXH Thủ đô phù hợp với hậu Covid-19. Trong đó tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, hạ tầng giao thông tại... Đây là dư địa động lực cho TP phát triển KTXH trong thời gian tới.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, cần được rà soát quy hoạch lại và đầu tư quyết liệt. Trong đó chú ý hệ thống giao thông kết nối các đô thị vệ tinh với nhau. Về lĩnh vực công nghiệp, TP cần có giải pháp cụ thể hơn nữa, trên cơ sở đột phá hơn nữa, vượt qua những ràng buộc về thể chế quy định, luật pháp hiện nay. Trên cơ sở Luật Thủ đô đã có, thậm chí có thể đề xuất chỉnh sửa Luật Thủ đô phù hợp với thực tiễn.

Tập trung hỗ trợ các khu công nghiệp chuyên sâu của TP, nhất là công tác quy hoạch và quy hoạch lại. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị HĐND TP ra Nghị quyết riêng về môi trường, trong đó có những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường Thủ đô, góp phần hạn chế thiệt hại, góp phần phát triển KTXH của TP.

PHI LONG