Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:35 - Chia sẻ
Với tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS. Tuy vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn gặp khó khăn, thách thức, cần có biện pháp hiệu quả để hạn chế sự lây lan. Trong đó, triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là biện pháp hiệu quả để hạn chế sự lây lan của HIV.

Ngăn chặn, hạn chế virus xâm nhập

Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu như trong giai đoạn 2005 - 2010, mỗi năm cả nước phát hiện trung bình khoảng 30.000 trường hợp nhiễm HIV và ghi nhận khoảng 10.000 trường hợp tử vong, thì hiện nay mỗi năm chỉ còn phát hiện được khoảng 10.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người tử vong do HIV/AIDS. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. 

Điều trị dự phòng PrEP là giải pháp tối ưu hạn chế lây nhiễm HIV

Thuốc PrEP là các thuốc có chứa Tenofovir. Ở Việt Nam thuốc PrEP đang được các chương trình, dự án cấp miễn phí là sự kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine (TDF/FTC).

Dù có nhiều kết quả song theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, HIV/AIDS đã giảm nhiều nhưng chưa ổn định, mỗi năm vẫn có 10.000 người dương tính với HIV được phát hiện mới, còn xa so với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là dưới 1.000 người nhiễm HIV/năm. Số lũy tích người nhiễm HIV ngày càng tăng, với trên 200.000 người nhiễm HIV cần được điều trị, chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời.

“Không chỉ vậy, hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV đang ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (đồng tính nam) gia tăng nhanh (từ 5 - 7% lên 12 - 15%). HIV/AIDS có nguy cơ bùng phát trở lại nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng lây lan HIV, theo Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV, Bộ Y tế Hoàng Đình Cảnh, cơ quan này đang triển khai việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), đây được coi là biện pháp hiệu quả để hạn chế sự lây lan của HIV.

Giải thích rõ hơn về phương pháp điều trị này, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, PrEP cũng có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, nếu sử dụng thuốc kháng virus (ARV) mỗi ngày, sẽ dự phòng không bị nhiễm HIV. Theo đó, khi dùng thuốc hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virus HIV xâm nhập và nếu chẳng may xâm nhập cũng không nhân lên trong cơ thể. Từ đó dự phòng được lây nhiễm HIV.

Tư vấn Điều trị dự phòng PrEP.
Nguồn: ITN

Giảm 90% nguy cơ lây nhiễm HIV

Các nghiên cứu đã chỉ ra, PrEP có hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV nếu dùng mỗi ngày. Khi sử dụng PrEP mỗi ngày, PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hàng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả.

Từ hiệu quả dự phòng HIV của PrEP, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và nhóm chuyển giới nữ (TGW) trong gói dự phòng HIV kết hợp tại TP Hồ Chí Minh. Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam.

Trung tâm Y tế quận 4 là cơ sở y tế công lập duy nhất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cấp phát PrEP cho cộng đồng MSM, TGW. 

Quyền Trưởng khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Bác sĩ Đỗ Xuân Hải cho biết, hiện Khoa đang quản lý và cấp phát thuốc ARV cho gần 1.600 bệnh nhân HIV/ AIDS, cấp phát thuốc PrEP cho 250 đối tượng. “Hiện nay, người dân và cộng đồng MSM ít người biết đến PrEP, do vậy nhân viên của Khoa phải làm quen với MSM trên mạng xã hội. Khi quen đến đủ độ tin cậy, nhân viên y tế mới tư vấn về thuốc dự phòng lây nhiễm HIV này” - bà Đỗ Xuân Hải cho hay.

Cũng theo quyền Trưởng khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng, thuốc PrEP có 2 hình thức sử dụng là uống theo tình huống và uống hàng ngày. Vì uống theo tình huống phải tuân thủ các hướng dẫn như (uống trước, và sau quan hệ tình dục như thế nào) nên hiệu quả không cao, do đó nhân viên y tế thường tư vấn để đối tượng uống hàng ngày. Ban đầu là cấp phát thuốc trong thời gian 1 tháng, sau khám lại, nếu đối tượng dùng đều có thể lấy thuốc đến 3 tháng. Tất cả thuốc đều được tài trợ miễn phí.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV Hoàng Đình Cảnh, Bộ Y tế đã có kế hoạch mở rộng ra 26 tỉnh, thành phố và tiến tới tất cả các tỉnh, thành phố sẽ triển khai can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam. Tuy nhiên PrEP không được chỉ định dùng đối với người có viêm gan B vì trong thành phần của thuốc PrEP có TDF (là thuốc điều trị hiệu quả và đã được phê duyệt đối với viêm gan B). Nếu sử dụng PrEP một thời gian, sau đó ngừng lại thì có nguy cơ khiến viêm gan B trở nên trầm trọng. Vì thế trước khi được chỉ định dùng PrEP cần xét nghiệm máu để biết có nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu có, thì cần khám chuyên khoa để xác định xem bạn có chỉ định điều trị viêm gan B không. Nếu không có chỉ định điều trị viêm gan B, thì có thể sử dụng PrEP theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Linh Lan