Biến ý nguyện của dân thành hành động

- Thứ Ba, 10/05/2016, 07:28 - Chia sẻ
Theo ĐBQH BÙI VĂN XUYỀN (Thái Bình), trong chương trình hành động để vận động bầu cử phải chọn đúng, chọn trúng vấn đề bức xúc của người dân. Khi vận động bầu cử, phải thật sự để cử tri thấy được sự trăn trở, băn khoăn và thấu hiểu của người ứng cử với các tâm tư, nguyện vọng của người dân. Quyết tâm theo đuổi đến cùng vấn đề của người dân, không ngại khó, ngại va chạm. Hứa được, phải làm được. Ý nguyện, bức xúc của người dân phải biến thành hành động của ĐBQH.

>> Số dư người ứng cử đều phải xứng đáng

>> Luôn hướng về cử tri

>> Tạo niềm tin cho nhân dân

Chọn trúng ý nguyện của dân

- Thưa ông, ngay sau khi danh sách chính thức 870 ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV được công bố, hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên vận động bầu của đã đồng loạt được tổ chức trên cả nước. Ông nhận định như thế nào về các ứng cử viên này?

- Qua danh sách thông tin, tiểu sử 870 người ứng cử ĐBQH Khóa XIV, tôi đánh giá cao năng lực, trình độ, phẩm chất, chất lượng của người ứng cử. Tình trạng quân xanh, quân đỏ hầu như không còn. Tại Thái Bình, trong bảng danh sách ứng cử viên ở các đơn vị bầu cử, hầu hết người ứng cử có năng lực, trình độ, chức vụ ngang nhau, không tồn tại sự yếu thế, hay chênh lệch quá lớn giữa các ứng cử viên, bảo đảm dù cử tri lựa chọn bầu ứng cử viên nào cũng đều xứng đáng.

- Trong giai đoạn nước rút, tăng tốc hiện nay, chương trình hành động là một trong những yếu tố để cử tri quyết định lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Theo ông nên xây dựng chương trình hành động thế nào để thực sự thuyết phục, tránh sáo rỗng?


ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) thảo luận tại Hội trường Ảnh: Lâm Hiển

- Để chương trình hành động đi vào lòng dân cần bám sát tình hình kinh tế - xã hội tại địa bàn nơi ứng cử, đời sống dân cư, phong tục, tập quán địa phương. Đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Dựa trên vai trò, vị trí của ĐBQH, ĐBQH được làm gì và không được làm gì, từ đó mới đưa ra lời hứa đúng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu. Và đã hứa được thì phải làm được. Ý nguyện, bức xúc của người dân phải biến thành hành động của ĐBQH.

Đồng thời, trước khi hứa phải căn cứ trên năng lực, chuyên môn, sở trường của bản thân người ứng cử để tự cân nhắc khả năng và tính khả thi của lời hứa. Ví dụ, người ứng cử có chuyên môn trong lĩnh vực lập pháp, có khả năng xem xét những vướng mắc về công tác xây dựng pháp luật, nhận định được sự việc đó đúng hay sai thì nên tập trung giải quyết vướng mắc cho người dân, theo đuổi, đeo bám những kiến nghị về mặt pháp lý… Không nên hứa nhiều, hứa suông, mà chọn ra vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bức xúc của người dân để tập trung giải quyết.

Đeo bám đến cùng vấn đề cử tri bức xúc

- Nhiệm kỳ Khóa XIII, với vai trò người đại biểu dân cử, ông nhận thấy mình đã hoàn thành vai trò, trách nhiệm này như thế nào?

- Đã là ĐBQH, quyết tâm, thì việc gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, chắt lọc để phản ánh trên nghị trường phải luôn là ưu tiên hàng đầu. Trong 5 năm là ĐBQH, cũng như nhiều ĐBQH khác, có nhiều băn khoăn, trăn trở của cử tri đã được giải quyết dứt điểm, song cũng có những việc chưa xử lý được, còn để nối dài sang nhiệm kỳ sau. Thực tế cho thấy, đã là tâm tư, bức xúc, vướng mắc của dân, thì dù là việc nhỏ hay việc lớn, vấn đề mang tính vĩ mô hay vi mô, đều phải kiên quyết theo đuổi, đeo bám đến cùng, không vì nể nang hoặc ngại va chạm mà lùi bước.

- Ngày bầu cử 22.5 đã đến rất gần. Ông có nhắn nhủ gì với cử tri - nhân vật trung tâm quyết định thành công của bầu cử?

- Bầu cử là quyền hiến định cơ bản của công dân. Để thực sự phát huy quyền làm chủ của mình, trước hết cử tri và nhân dân nên tích cực, chủ động hơn trong việc thực thi quyền và nghĩa vụ bầu cử. Nghiên cứu, xem xét kỹ danh sách người ứng cử tại đơn vị bầu cử của mình, bảo đảm người được bầu sẽ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND cũng như yêu cầu ngày càng cao trong các hoạt động của QH.

- Xin cảm ơn ông!

 Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015, việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ.

Hoàng Ngọc thực hiện