Triết lý giáo dục Australia

Bình đẳng để phát triển

- Thứ Hai, 03/12/2018, 08:33 - Chia sẻ
Australia luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh các yếu tố như mức sống cao, môi trường trong sạch, và người dân thân thiện, thì triết lý giáo dục hiện đại là một nhân tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của nền giáo dục Australia.

Australia có một triết lý ngắn gọn để định hướng cho hệ thống giáo dục. Triết lý này thay đổi theo từng thời kỳ, bắt đầu từ năm 1989 với Công bố Hobart (Hobart Declaration), sau đó được chỉnh sửa và thay bằng Công bố Adelaide (Adelaide Declaration) năm 1999, và gần đây nhất là Công bố Melbourne (Melbourne Declaration) năm 2008. Theo Công bố Melbourne, giáo dục Australia có hai mục tiêu: (1) bình đẳng và phát triển hết mình; (2) tạo ra một thế hệ trẻ có kỹ năng học hỏi, tự tin, sáng tạo, năng động và có tri thức.

Nhà nước bảo đảm ngân sách cho trường công

Bình đẳng trong giáo dục được thể hiện bằng việc Nhà nước bảo đảm đủ ngân sách cho các trường công lập. Chính phủ luôn có những khảo sát định lượng để đánh giá nhu cầu tài chính và kết quả của hệ thống giáo dục. Theo số liệu năm 2018, để có 80% học sinh đạt được chất lượng giáo dục chuẩn, mức đầu tư sàn mỗi năm cho một học sinh trong trường công ở bậc tiểu học là AU$10,953 và trung học là AU$13,764 (ABC News: Here’s how Australia’s schools are funded, 20.4.2018). Con số này được điều chỉnh thêm dựa vào 6 chỉ số phụ (loading factors) bao gồm: Số học sinh tàn tật, nguồn gốc thổ dân, khả năng tiếng Anh, chỉ số kinh tế xã hội của gia đình, trường ở vùng sâu vùng xa, và trường đông học sinh. Dựa vào những chỉ số phụ này, các trường có thêm phụ cấp để hoạt động. Nếu con mình học trường công, các gia đình Australia chỉ chi trả khoảng AU$300/năm cho đồng phục và các hoạt động ngoại khóa không bắt buộc. Ngân sách của nhà nước cho hệ thống trường công lập và các chỉ số phụ thể hiện sự bình đẳng trong giáo dục Australia. Mọi công dân đều có thể tiếp cận giáo dục bất kể giàu nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình.

Một điểm nổi bật ở Australia là nhận thức trách nhiệm cho giáo dục của tất cả các thành phần xã hội, từ học sinh, nhà trường, gia đình, hiệp hội, doanh nghiệp và chính phủ. Triết lý giáo dục của Australia cũng được gắn liền với các hoạt động và nhiệm vụ của từng thành phần này.

Giáo dục Australia đề cao bình đẳng nhưng cũng rất chú trọng phát triển từng cá nhân. Một số tiểu bang ở Australia có hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Ví dụ, tiểu bang New South Wales có lớp chọn (Opportunity Class) cho lớp 5 - 6 và trường chuyên (Selective School) cho cấp trung học. Mỗi lớp chuyên chọn có sĩ số cố định 30 em. Việc chọn lựa học sinh được một tiểu ban (high performance unit) xét duyệt dựa vào thành tích học tập và một kỳ thi. Đây là kỳ thi duy nhất khi học phổ thông, dĩ nhiên là không bắt buộc và chỉ dành cho những em muốn thử sức. Không có chỉ số phụ để cấp thêm ngân sách cho trường chuyên. Cơ sở vật chất của các trường chuyên cũng tương đương với các trường công lập khác. Tuy nhiên, do đồng đều về khả năng và có cơ hội học hỏi lẫn nhau, học sinh trường chuyên thường dẫn đầu về thành tích học tập, đôi khi hơn cả những trường tư có mức học phí rất cao.


Buổi học về sản xuất nông, lâm nghiệp sạch và bảo vệ rừng tại Trường Tiểu học Gwynneville Public School, bang New South Wales

Tự chủ về học thuật

Cần phải nhấn mạnh rằng chính phủ Australia chỉ cung cấp ngân sách hoạt động, không can thiệp vào cách thức dạy và học của trường. Hoạt động giảng dạy do hiệu trưởng từng trường tự quyết định. Điều này cho thấy giáo dục Australia được tự chủ về học thuật ngay cả ở cấp phổ thông, nhưng không phải tự chủ về kinh phí. Chính phủ, dựa vào một tổ chức độc lập (The Australian Curriculum, Assessment and Reporting Authority) đánh giá chất lượng giáo dục của từng trường thông qua một bài kiểm tra thường niên (NAPLAN) cho tất cả học sinh lớp 3, 5, 7 và 9 trên toàn quốc. Đây là một bài kiểm tra, chứ không phải kỳ thi. Trình độ học sinh được đánh giá theo thang bậc, không có khái niệm đỗ hay trượt. Thành tích giáo dục chung của từng trường được công bố trên website myschool.edu.au để phụ huynh, học sinh và những người quan tâm tham khảo.

Hệ thống giáo dục Australia có nhiều ưu điểm, nhưng chưa thể nói là hoàn hảo. Khoảng cách giữa trẻ em nhà giàu và nghèo vẫn còn lớn. Đặc biệt, giáo dục Australia đang đối mặt với những thay đổi cơ bản do quá trình toàn cầu hóa và phát triển công nghệ. Những bất cập, giải pháp khắc phục và cơ hội mới đã được nêu ra trong một báo cáo cho chính phủ (báo cáo Gonski: Report of the Review to Achieve Educational Excellence in Australian Schools, 3.2018). Nói một cách tổng thể, mô hình giáo dục cũ dùng chung một chương trình khung nhằm trang bị cho tất cả học sinh kiến thức và kỹ năng giống nhau đã không còn phù hợp. Australia đang xây dựng một mô hình mới để có chương trình giáo dục công nghệ cao đặc thù cho từng cá nhân học sinh.

Không hoàn hảo, nhưng nhiều điều Việt Nam có thể xem xét từ kinh nghiệm của Australia, đặc biệt là yếu tố bình đẳng trong giáo dục. Chính phủ cần là nhà đầu tư chính cho giáo dục. Để làm được điều này, người dân phải quen dần với việc đóng thuế thu nhập vì đây là khoản thu chính để chính phủ phân phối lại cho giáo dục. Khi nhà nước và xã hội hợp tác trong quá trình phân phối kinh phí và tạo nguồn thu, Việt Nam mới có thể có một hệ thống giáo dục bền vững về tài chính và hiệu quả về chất lượng.

Nghiêm Đức Long