Xem - Nghe - Đọc

“Bố già” - “50 tuổi vẫn là đương xoan”

- Chủ Nhật, 13/10/2019, 08:25 - Chia sẻ
50 năm sau khi ra đời, “The Godfather” (tựa “Bố già” qua bản dịch của Ngọc Thứ Lang) vẫn là một trong những quyển sách bán chạy hàng đầu tại Mỹ cũng như toàn thế giới. Điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của quyển sách được xem là tạo ra một chuẩn mực cho mọi tác phẩm về thế giới ngầm sau đó?

Từ nhà văn túng bấn 

Có một điều ít người biết, Mario Puzo đã suýt nữa… bẻ bút đi làm nghề khác trước khi khởi sự viết “The Godfather”. Đó là năm 1965, Puzo đã xuất bản hai quyển tiểu thuyết. Quyển đầu tay, The Dark Arena (1955) mang về cho ông 3.500 USD tiền tác quyền và nhận được nhiều bài bình luận tích cực. Mario Puzo tin là đời mình “lên hương” tới nơi rồi. Ông không hề biết mình phải chờ… 15 năm mới được chứng kiến cái sự “lên hương” ấy.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông, The Fortunate Pilgrim(1965) tiếp tục nhận được những bình luận tích cực từ giới hàn lâm. Tờ New York Times thậm chí đã gọi đó là một cuốn “tiểu kinh điển” (small classic). Dẫu thế, nó chỉ vẫn chỉ mang về cho tác giả 3.000 USD tiền tác quyền. Đến khi Mario trình bày ý tưởng cho cuốn sách thứ ba, nhà xuất bản Atheneum từ chối ngay tức thì. Họ nói rõ với ông: Sách bán để kiếm tiền, chứ không phải để góp công xây dựng nền văn học Mỹ. Và những con số chỉ ra: sách của ông bán rất ế. Thời buổi nào rồi mà còn đi nói chuyện nghệ thuật!

Tổn thương chứ, nhưng Mario Puzo đâu thể bỏ dở giấc mơ viết lách. Ông còn phải viết một cuốn “đại kinh điển”. Quay trở lại sau vài tuần, Mario trình bày ý tưởng về cuốn sách mới. “Ế chắc”, nhà sách tạt gáo nước lạnh vào mặt nhà văn. Tuy nhiên, một biên tập nói với ông: “Giá mà cuốn The Fortunate Pilgrim có thêm tình tiết về thế giới ngầm, thì có lẽ nó đã bán chạy hơn”. Dân tình lúc ấy có vẻ rất mê những câu chuyện về Mafia. 

Mario Puzo nhớ lại, trong một bài phỏng vấn gần đây: “Lúc ấy tôi 45 tuổi, đã quá mệt mỏi với đời sống của một nghệ sĩ. Tôi nợ bà con hai bên, nhà băng, đám ghi cá độ và xã hội đen khoảng 20.000 USD. Giờ đã đến lúc viết để sống rồi, chứ đâu thể sống để viết nữa. Nên tôi nói với nhà xuất bản: OK, tôi sẽ viết một cuốn về Mafia. Nhưng phải cho tôi tiền tạm ứng đã. Họ lạnh lùng nói: Đưa 100 trang đọc trước rồi nói chuyện. Tôi bèn kỳ kèo: Thôi thì 10 trang tóm tắt rồi gửi tiền tạm ứng nhé! Họ nói: Khỏi!”.

Mario Puzo gọi đó là cú sốc lớn trong đời. Nhưng nó cũng mang giá trị thức tỉnh, để giúp ông trở nên thực tế hơn. Ông viết: “Tôi đã từng là một con chiên của nghệ thuật. Tôi không tin vào tôn giáo, chẳng tôn sùng tình yêu, tôi chán ghét xã hội và thờ ơ với triết học. Nhưng tôi đã tin yêu nghệ thuật suốt 45 năm sống trên đời. Nó cho tôi cảm giác thoải mái và yên bình mà không thứ gì khác sánh nổi. Nhưng tôi biết nếu cuốn tiếp theo không thành công (về mặt thương mại), sự nghiệp viết lách của tôi sẽ khép lại vĩnh viễn”.

Dẫu vậy, 10 trang tóm tắt của Mario Puzo vẫn chưa thể thuyết phục được ai. Ông phải chật vật mưu sinh thông qua việc viết bài cho các tạp chí, làm biên tập, viết các truyện ngắn. Ngày kia, một ông bạn đến thăm ông tại tòa soạn, Mario bèn tặng người này cuốn The Fortunate Pilgrim, và tiện thể khoe luôn 10 trang tóm tắt về thế giới ngầm. Người bạn đọc xong khen hết lời, bèn lập tức giới thiệu Mario cho biên tập của nhà xuất bản G.P.Putnam’s Sons. Họ gặp nhau, Mario Puzo lại thao thao bất tuyệt suốt một tiếng đồng hồ về chuyện giang hồ Mỹ gốc Ý. Kết thúc buổi nói chuyện, đại diện của G.P.Putnam’s Sons bật đèn xanh cho Mario viết thành tiểu thuyết. Mario tần ngần đề nghị: Chắc phải có tạm ứng... Một tấm séc 5.000 USD được ký ngay tại chỗ. “Lúc ấy, tôi nhận ra hóa ra làng xuất bản thi thoảng vẫn có người tốt”, Mario Puzo nhớ lại.

... đến cây bút triệu đô

Nhà văn mất tổng cộng 3 năm để hoàn thành tác phẩm. Điều độc đáo (mà thực ra là “xấu hổ” - theo từ của tác giả) là “The Godfather” đã được viết ra dù Mario Puzo không hề có một chút thâm nhập thực tế nào. Tất cả đến từ sự nghiên cứu qua báo chí và tưởng tượng. Ấy vậy mà giới giang hồ nước Mỹ vẫn hiện lên sống động, như thể người viết đã sống trong ấy rất lâu rồi. 

Và vì Mario Puzo tả giới mafia quá hay, nên giới giang hồ nước Mỹ xôn xao lùng sục, vài ông trùm còn “xung phong” nhận mình chính là nguồn cảm hứng để Mario tạo nên nhân vật Vito Corleone. Đã có lúc, nước Mỹ truyền tai nhau câu chuyện Mario nhận một triệu USD từ giới giang hồ để viết cuốn sách như một chiêu PR cho thế giới ngầm. Giới văn chương thì đồn Mario Puzo là dân anh chị trước khi khởi nghiệp viết sách, chứ làm sao người ngoài lại tận tường xã hội đen đến vậy. Khi “The Godfather” được dựng thành phim, James Caan (diễn viên thủ vai Sonny) dẫn một vị Mafia thật vào phim trường… coi cho biết. Đến khi giới thiệu Mario Puzo, vị này hỏi: “Thế anh rốt cục là người của băng nào”?

Puzo có thể không dựa trên nguyên mẫu nào ngoài đời thực để viết sách, nhưng giới mafia lại dựa trên những chi tiết trong sách để mang vào đời thực lại là chuyện thực 100%. Ngay chính khái niệm “The Godfather” cũng là mới toanh 100%. Chữ này vốn có nghĩa là “Cha đỡ đầu”. Tom Hagen đã giải thích cho khái niệm này trong sách: “Thế giới này khổ quá mà, nên một đứa trẻ cần đến hai người cha để bảo vệ nó”.

Và thế là sau khi quyển sách nổi tiếng, mấy vị chóp bu trong thế giới ngầm đều tự gọi mình là “The Godfather”. Qua cách chuyển ngữ trác tuyệt của dịch giả Ngọc Thứ Lang, chữ này trở thành “Bố già” và mang một sắc thái vô cùng văn học. Sau Ngọc Thứ Lang, có thêm nhiều dịch giả khác dịch lại “The Godfather”, nhưng đa số đều giữ lại cái tựa “Bố già”. Và chữ “Bố già” cũng trở thành một danh từ chung khi chúng ta gọi một ông trùm xã hội đen.

Nhà báo, nhà văn Tom Santopietro thậm chí còn viết ra cả cuốn sách mang tên “The Godfather Effect” để nói lên tầm ảnh hưởng của tác phẩm này lên đời sống xã hội Mỹ. Ông kể: “40 năm sau khi quyển sách ra đời, dân xã hội đen vẫn tự xưng mình là “Bố già”, và vẫn hay lặp lại câu nói: “Ta sẽ ra một lời đề nghị mà hắn không thể chối từ” - y sì như trong sách. Mà đâu chỉ thế giới ngầm, FBI và Interpol cũng đều gọi mấy tay cầm đầu giới xã hội đen là “Bố già”. Nghĩa là từ trang sách, “Bố già” đã thực sự đi vào đời sống.

50 năm, một giá trị bất tử

Ngoài những lời đồn thổi và những huyền thoại, điều gì thực sự khiến “Bố già” trở nên bất tử suốt 50 năm qua? Thứ nhất, mafia thực chất là một thế giới thu nhỏ của nước Mỹ. Vì sao vậy? Marlon Brando, tài tử thủ vai Vito Corleone và sau đó ẵm luôn một giải Oscar, nói: “Cách mafia cơ cấu tổ chức của mình rất giống những tập đoàn Mỹ, vì nó cực kỳ cứng rắn và rõ ràng với những vấn đề liên quan đến tiền bạc, quyền lợi và chính trị, nên nó phát triển rất mạnh. Mafia thực sự là một tổ chức rất… Mỹ”.

Quả thực, trong “Bố già”, Mafia đã hiện ra như một ẩn dụ của chính nước Mỹ. Đầu truyện, ba nhân vật khác nhau hoàn toàn về gốc gác gặp phải những vấn đề đau đầu không cách gì giải quyết. Lão nhà đòn Amerigo Bonasera đau đớn chứng kiến 2 thằng du côn bạo hành con gái ruột mình chỉ phải hưởng án treo. Johnny Fontane đang sa sút sự nghiệp bị vợ khinh nhờn ra mặt. Ông chủ lò bánh Nazorine không cách chi xin nhập tịch nổi cho thằng làm công Enzo, vốn đã ký gửi cái bầu trong bụng con gái lão. Nước Mỹ không đáp ứng lời thỉnh cầu của họ, nhưng “Bố già” Vito Corleone thì khác.

Và quang cảnh đám cưới diễn ra thật lạ lùng, và đầy tương phản. Bên ngoài thì ánh nắng rực rỡ, nhạc trỗi linh đình. Bên trong căn phòng tối của những người đàn ông, Bonasera, Fontane và Nazorine đến cầu xin Don Vito một ân huệ. Người ta yêu cuốn sách, phải chăng vì khao khát từ tận thâm tâm, mỗi khi pháp luật không thể cứu rỗi họ, hệ thống tư pháp bất lực thì vẫn có một cánh tay chìa ra. Chỉ cần ta gọi người ấy là “Bố già”, thỏ thẻ với người ấy: “Hãy coi chúng đã làm gì với tôi” và cầu xin công lý.

Cái cảnh Michael xử lý đám giang hồ trong lễ rửa tội của đứa cháu thật đẹp, đẹp lạnh lùng, đẹp tàn nhẫn. Anh ngồi trong nhà của Chúa, nhưng đám đàn em đang giáng sấm sét lên đầu những kẻ thù của gia đình anh. Anh là hiện thân của Chúa trong gia đình, nhưng lại là quỷ Sa Tăng với đối thủ. Hai bản thể đối lập trong một con người, y hệt như Bố Già, đều đi trên một con đường tự diệt.

Michael và Vito đều là những gã thanh niên phải bỏ quê hương mà đi vì bị kẻ thù truy sát. Vito trốn từ Ý sang New York. Michael từ New York trốn ngược về Ý, và đời họ vụt thay đổi chỉ sau một phát súng nổ. Và phát súng ấy chính là cách nhân vật đưa ra tuyên ngôn của mình về trách nhiệm. Đề tài nam tính ấy chạm đến hầu hết những đấng nam nhi trên đời. Nếu như phụ nữ đọc Jane Austen thì đàn ông mê mẩn Mario Puzo vậy.

Michael Corleone thực ra cũng chính là hình ảnh phảng phất của tác giả, khi ông vốn đã chọn cho mình một con đường riêng, nhưng rốt cục vẫn phải lao vào vòng xoáy chỉ vì hai chữ trách nhiệm. Khi nói về một người đàn ông, còn danh tự nào mạnh hơn là “trách nhiệm” đâu? Là một người con của nước Mỹ, Michael lao ra trận. Là một người tình, Micheal hết dạ với Kay Adams. Là một người con, Michael tôn kính ông già hết mực. Là một ông trùm trẻ, Michael quán xuyến trong ngoài. Thứ trách nhiệm ấy làm nên tính hấp dẫn của Michael, mà cũng chính là của Vito thời trẻ.

Không chỉ thế, “Bố già” còn là một câu chuyện về tình yêu, danh dự, báo thù, bạo lực, gia đình và sự kế thừa. Sự kế thừa ấy cũng là khởi nguyên cho bi kịch của gia đình Corleone. Vì như Francis Ford Coppola mô tả: “Bố già là câu chuyện của một nhà Vua vĩ đại có ba người con, và mỗi người chỉ thừa hưởng được một phần tích cách của ông”. Michael nhận lấy sự khôn ngoan và lọc lõi, Sonny nhận lấy tính nóng nảy và Alfredo thì hưởng sự ngọt ngào. Và từ ấy, “đế chế vĩ đại” của Don Vito Corleone bước vào một cuộc tan rã. 

Nửa thế kỷ sau, người ta đọc đi đọc lại hành trình tan rã ấy mà không chán. Vì vượt trên một tác phẩm văn học, “Bố già” còn là cuốn cẩm nang dạy làm đàn ông cho cánh mày râu từ nửa thế kỷ qua.

Trần Minh