Bộ Xây dựng dồn sức hoàn thiện thể chế

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:24 - Chia sẻ
“Lãnh đạo Bộ và cá nhân tôi cũng luôn xác định hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và tập trung chỉ đạo thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ.

Những chuyển động quan trọng

2018 là một năm bận rộn của Bộ Xây dựng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Bộ đã hoàn thành và trình Chính phủ, trình Quốc hội 3 dự án luật (Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Kiến trúc; Luật sửa đổi bổ sung các Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị).

Đặc biệt, từ năm 2014 đến năm 2018, Chính phủ liên tục ban hành 5 nghị quyết 19, giao nhiều nhiệm vụ chung cho các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Xây dựng cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng. “Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện”, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm khu vực giới thiệu Khu đô thị Đặng Xá Viglacera nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngành xây dựng Việt Nam

Ngay đầu tháng 3.2018, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Việc lồng ghép các thủ tục theo hướng dẫn của Chỉ thị 08 giúp thời gian cấp phép xây dựng giảm 47 ngày, từ 166 ngày xuống còn 119 ngày. “Với các doanh nghiệp triển khai dự án xây dựng thì thời gian là vàng”, Trưởng ban Đầu tư phát triển dự án đô thị và hạ tầng, Tập đoàn Geleximco Ngô Anh Trí chia sẻ. Ông cũng cho biết, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của Tập đoàn Geleximco đã giảm một nửa, bảo đảm thi công dự án sớm. “Ví dụ như dự án Ngôi sao An Bình 2 của chúng tôi được Bộ Xây dựng thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ trong 20 ngày. Thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư rút ngắn thì cả tiến độ thi công cũng như thời gian thu hồi vốn của chúng tôi nhanh hơn rất nhiều”.

Một tháng trước đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình; bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hướng tới bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.

Một chuyển đổi quan trọng khác của Bộ Xây dựng trong năm 2018 là cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh. Tháng 7.2018, Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, theo đó bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% số điều kiện đầu tư kinh doanh trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh ngành. Theo bà Tống Thị Hạnh, “tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng”. Đồng thời, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP cũng có nhiều nội dung cải cách thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực.

“Ngồi nhà” trình hồ sơ

Đặc biệt, kể từ 1.10.2018, 100% các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của các cục, vụ được chuyển về giải quyết tại Bộ phận một cửa của Bộ. Bộ đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến và tích hợp dịch vụ nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích lên các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Xây dựng. “Tức là chúng tôi có thể ngồi nhà trình hồ sơ, thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án mà không phải đi lại mất thời gian. Đây là một sự đột phá của ngành xây dựng, tạo ra đòn bẩy, cú hích cho các nhà đầu tư”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ruby Cao Đăng Hoạt chia sẻ.

Vụ trưởng Tống Thị Hạnh cho biết, tất cả hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả tại Bộ phận một cửa. “Đánh giá của tổ chức, cá nhân khi đến làm việc tại Bộ phận một cửa rất tích cực, bước đầu tạo ra thay đổi trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định “đây là một chuyển động quan trọng trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam”. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cấp phép xây dựng năm 2018 của Việt Nam xếp ở vị trí 21/190 nền kinh tế (Doing Business 2019). Đây là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là 1 trong 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2017.

Quyết tâm mới, động lực mới

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định tốc độ tăng trưởng 9,16% của ngành đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam vào top những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm vừa qua. Phó Thủ tướng cũng giao 4 nhiệm vụ ngành xây dựng phải bứt phá trong năm 2019, trong đó có công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là một nhiệm vụ đầy thử thách đối với Bộ Xây dựng. Ví dụ trong việc cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng, hiện nay chỉ số này của Việt Nam đang có thứ hạng cao, nhiều chỉ tiêu thành phần đã đạt điểm tuyệt đối. Vì vậy việc tiếp tục tăng hạng sẽ khó khăn hơn nhiều so với chỉ tiêu này ở các nước có thứ hạng thấp hoặc các chỉ tiêu khác có thứ hạng thấp của Việt Nam. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc, chung sức của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trên cả nước để giảm thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, cải thiện thứ hạng đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 19 mới, bởi chỉ số cấp phép xây dựng gồm 10 bước thủ tục có liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

“Lãnh đạo Bộ Xây dựng và cá nhân tôi luôn xác định hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân. Ông cũng cho biết, năm 2019 Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về xây dựng “để đến cuối nhiệm kỳ bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước của hệ thống quy định pháp luật về xây dựng”. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi bổ sung sửa đổi các luật có nội dung liên quan đến quy hoạch; kịp thời đề xuất với Chính phủ các giải pháp thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị không để có sự vướng mắc, rối loạn, chậm chễ trong quá trình thực hiện. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, sai quy định, triển khai kịp thời có hiệu quả đề án phát triển đô thị thông minh. Đề xuất các giải pháp tổng thể về phát triển đô thị để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các năm sau.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng là “phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cụ thể cao hơn năm 2018 và tạo ra được sự bứt phá mới theo chủ đề hành động năm 2019 của Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói rằng, đây là “kim chỉ nam” của ngành để từ đó có quyết tâm mới, động lực mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019.

Tiểu Phong