Bolivia trước diễn biến khó lường

- Thứ Bảy, 16/11/2019, 07:52 - Chia sẻ
Quyết định từ chức của Tổng thống Evo Morales đã không giúp hạ nhiệt đường phố Bolivia, mà trái lại, càng khiến tình hình quốc gia này thêm nghiêm trọng hơn bao giờ hết, khi bạo lực nổ ra giữa lực lượng ủng hộ ông với lực lượng chống bạo động. Con đường đi đến ổn định của Bolivia sẽ còn gian nan nếu các phe phái không thể tiến hành đối thoại.

Nổi dậy hay đảo chính?

Việc ông Morales từ chức là sự kiện đỉnh điểm sau nhiều tuần bất ổn kể từ khi Bolivia tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống ngày 20.10. Trong cuộc bầu cử đó, ông Morales thắng vòng đầu nhưng quá trình bầu cử bị phe đối lập cáo buộc gian lận. Sau khi mất đi sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát, hôm 10.11, ông đã từ chức và tới tị nạn ở Mexico 2 ngày sau đó.

Mặc dù vậy, trên trang mạng cá nhân, nhà lãnh đạo cánh tả Bolivia khẳng định ông là nạn nhân của đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước, lợi ích của nhân dân. Vấn đề này cũng được tờ New York Times đặt ra: Đây là cuộc nổi dậy hay đảo chính?

Trên thực tế, ranh giới giữa một cuộc đảo chính và một cuộc nổi dậy lật đổ khá mong manh. Hai sự kiện này có cùng một số biểu hiện: Người dân nổi dậy hàng loạt cùng với việc một nhóm quân sự quay lưng lại chính quyền và buộc lãnh đạo quốc gia từ chức. Tuy nhiên, việc dùng từ nào để mô tả tình hình ở Bolivia có ý nghĩa quan trọng: Quá trình chiếm quyền chính trị có thể được coi là hợp pháp nếu đó là cuộc nổi dậy của nhân dân, còn nếu đó là cuộc nổi loạn có sự giật dây của phe đối lập và các lực lượng chống đối bên ngoài, thì là một cuộc đảo chính phi pháp.


Lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Morales xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống lâm thời
Ảnh: AP

Nhìn lại cuộc bầu cử ở Bolivia có thể thấy diễn biến sau bầu cử khá căng thẳng khi phe đối lập với sự hậu thuẫn của rất nhiều tổ chức nước ngoài không chấp nhận kết quả bỏ phiếu. Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS), vốn được coi là sân sau của Mỹ ở Mỹ Latin, cho rằng có bất thường trong hoạt động kiểm phiếu, nghi ngờ kết quả nhưng không có bằng chứng. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế không phát hiện gì bất thường trong bầu cử. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ chủ chốt và giới chính trị đầu sỏ ở Bolivia đã tìm cách vô hiệu hóa kết quả bầu cử. Dựa vào cáo buộc gian lận, phe cánh hữu kêu gọi người ủng hộ tràn xuống đường và cảnh sát quyết định binh biến.

Mất sự ủng hộ của lực lượng vũ trang, Tổng thống Morales chấp nhận từ chức, đồng ý tổ chức lại tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình - ổn định cho đất nước. Tuy nhiên, tình hình sau khi ông từ chức trở nên tồi tệ hơn khi người ủng hộ ông đổ xuống đường biểu tình và đụng độ với lực lượng an ninh. Tại Thủ đô La Paz, ngày 13.11, người biểu tình từ các nơi đã đổ về, diễu hành qua các đường phố lớn yêu cầu khôi phục chức vụ cho ông Morales. Người biểu tình cũng phản đối việc phe đối lập đưa Phó Chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez lên làm Tổng thống tạm quyền khi chưa được Quốc hội thông qua, coi đây là hành động vi hiến.

Cần đối thoại dân tộc

Trong khi đó, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Morales và cảnh sát Bolivia ở nhiều thành phố khác như Yapacani thuộc vùng Santa Cruz de la Sierra hay thành phố Montero đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Hơn 400 cảnh sát và binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang đã được huy động ngăn chặn người biểu tình ở vùng Santa Cruz.

Trước đó, phát biểu tại lễ nhậm chức, bà Jeanine Anez viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp nói rằng bà là nhân vật kế tiếp nắm quyền cao nhất sau khi ông Morales và Phó Tổng thống Alvaro Garcia từ chức ngày 10.11 vừa qua. Tuy nhiên, lời tuyên thệ nhậm chức của bà đã bị các nghị sĩ đảng Phong trào xã hội chủ nghĩa (MAS) của ông Morales, vốn đang chiếm đa số trong Nghị viện, tẩy chay. Những người trung thành với ông Morales cho rằng động thái này là bất hợp pháp bởi Quốc hội chưa chính thức chấp nhận việc ông Morales từ chức.

Phát biểu tại Thủ đô Mexico, ông Morales kêu gọi tổ chức cuộc đối thoại quốc gia giữa các lực lượng chính trị với sự trung gian của các nước bạn bè; đồng thời cho rằng nếu không có một cuộc thương lượng thì rất khó chấm dứt tình trạng đối đầu hiện nay. “Nếu người dân yêu cầu tôi, thì tôi sẵn sàng trở về để ổn định đất nước. Tôi nghĩ rằng, đối thoại quốc gia rất quan trọng. Nếu không có đối thoại quốc gia thì khó ngăn chặn được tình trạng hỗn loạn này”, ông Morales nói.

Tuy nhiên, bác bỏ tuyên bố đối thoại của ông Morales, đối thủ của ông là Carlos Mesa đã đề nghị tổ chức bầu cử mới mà không có sự tham gia của ông. Điều này có thể càng khiến cuộc khủng hoảng ở Bolvia không có lối thoát. Bởi khi ông Morales không có tên trong danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử tương lai, một khu vực bầu cử lớn với nhiều cử tri ủng hộ ông sẽ phản đối bằng bạo lực. Trong bối cảnh đó, nếu cuộc bầu cử mới diễn ra, phe đối lập có thể chiến thắng nhưng sẽ vấp phải không ít trở ngại giữa bối cảnh nhiều người ủng hộ ông Morales đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kết quả này.

Trong một viễn cảnh khả quan hơn, người ủng hộ ông Morales và phe đối lập có thể ngồi lại với nhau để đàm phán với sự trung gian hòa giải từ cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp chung. Dù vậy, Bolivia có thể sẽ trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, đe dọa đến nền kinh tế vừa được phục hồi trong vài năm qua.

Đạt Quốc