Bớt đi những mảng màu tối

- Thứ Ba, 07/07/2020, 05:20 - Chia sẻ
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2007 - 2019, đã có hơn 1,3 triệu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm có khoảng 110 nghìn lao động, chiếm 7% số lao động được giải quyết việc làm mới của cả nước.

Đa số người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước ở cùng ngành nghề, trình độ. Vì thế, cũng dễ hiểu khi nhiều người lao động coi đi làm việc ở nước ngoài thực sự là “mảnh đất hứa”, xuất khẩu lao động là cơ hội hiện thực hóa giấc mơ đổi đời. Tiếc rằng, thực tế không đơn giản như thế.  

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có đến 80% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là doanh nghiệp yếu kém, thiếu kinh nghiệm. Dù chỉ đưa đi 20% trong tổng số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hàng năm nhưng hoạt động của số doanh nghiệp này lại chính là mảng tối gây nhiều bức xúc như: lương thấp, “đem con bỏ chợ”, lừa người lao động ra nước ngoài để thu tiền rồi giải thể... Tranh chấp giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và người lao động trên thực tế đang ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) được tiến hành vào năm 2017 cũng chỉ rõ, có đến 76% lao động di cư Việt Nam bị lạm dụng quyền lao động tại Malaysia và Thái Lan. 

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp còn không kiểm soát được cán bộ của mình dẫn đến tình trạng nhân viên mượn danh nghĩa doanh nghiệp để tuyển lao động, thu tiền bất chính, lừa đảo hoặc cung ứng lao động tuyển được cho doanh nghiệp khác để nhận “hoa hồng”... Hệ lụy cuối cùng của tất cả những mảng tối ấy đều dồn đến người lao động phải gánh chịu.

Thực tế trên đây đặt ra yêu cầu rất lớn đối với việc sửa đổi toàn diện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để có một khuôn khổ pháp lý thực sự minh bạch, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cũng như các doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, tuân thủ luật pháp trong lĩnh vực này.

Nhiều đề xuất trong dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua - dù vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thêm - nhưng đã cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn những mặt trái, những mảng tối trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động, không chỉ được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động làm việc ở nước ngoài như hiện nay mà còn phải được sử dụng để giải quyết cả những phát sinh khi người lao động chưa xuất cảnh, khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, giải thể hay bị thu hồi giấy phép. Bổ sung các điều kiện, trường hợp thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh tình trạng hoạt động “cò mồi”, thu phí lao động quá cao so với quy định...

Các quy định để bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đã được bổ sung như: xác định rõ thời hạn tối đa doanh nghiệp có trách nhiệm đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, tính từ thời điểm lao động được tuyển chọn và hoàn thành các thủ tục liên quan... Dự thảo Luật cũng dành hẳn 1 chương (Chương VII) với 2 điều quy định về giải quyết tranh chấp giữa người lao động và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và xử lý vi phạm.

Dẫu vậy, từ thực tế hoạt động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh cho biết, có rất nhiều tranh chấp hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Chính vì thế, theo ông Khánh, ngay trong Điều 1 của dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh phải bổ sung vấn đề giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Việc bổ sung phạm vi điều chỉnh như vậy cũng sẽ là căn cứ để thiết kế các điều luật xử lý một vấn đề thực tiễn đã phát sinh khá nhiều vừa qua là xử lý tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động ở nước ngoài khi doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã giải thể. Người lao động muốn kiện nhưng không biết kiện ai, doanh nghiệp đã giải thể rồi thì còn ai mà kiện? Nếu xét đến cùng, Nhà nước đồng ý cho doanh nghiệp hoạt động rồi lại để doanh nghiệp giải thể giữa chừng, trong khi hợp đồng lao động chưa chấm dứt, lợi ích của người lao động bị vi phạm thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Những tranh chấp như vậy hiện nay đang rất phức tạp và cần phải được quy định rõ trong luật để bớt đi những mảng màu tối, thực sự bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Hải Lam