NHỮNG TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT NỔI TIẾNG

Bữa trưa trên thảm cỏ

- Thứ Hai, 10/08/2015, 08:22 - Chia sẻ
Mặc dù không nổi tiếng như bức tranh cùng tên của họa sĩ Edouard Manet, nhưng tác phẩm của Claude Monet cũng có thể xem đã làm dịu không khí căng thẳng thời bấy giờ đối với các họa sĩ mang tính cách tân, đem đến cảm xúc dịu dàng, trong trẻo của hội họa cuối thế kỷ XIX.

Ra đời muộn hơn Bữa trưa trên thảm cỏ (Le déjeuner sur l’herbe) của bậc thầy Edouard Manet chừng 3 năm, và có lẽ không phải ngẫu nhiên Claude Monet đã lấy lại chủ đề này khi tác phẩm kia từng bị từ chối trong triển lãm quốc gia năm 1863. Mục đích của Monet không gì khác là muốn có được sự công nhận mang tính chính thống cho nghệ thuật cách tân lúc bấy giờ. Với chủ trương hội họa không còn là những sáng tạo trong xưởng vẽ, nhóm họa sĩ bạn bè ông đã thường xuyên ra ngoài trời vẽ cảnh sắc thiên nhiên. Điều này đã được các họa sĩ hiện thực của họa phái Barbizon thực hiện trước đó nhiều năm, nhưng ở bức tranh này của Monet, người ta đã thấy phong cách diễn đạt không gian hoàn toàn khác.


Bữa trưa trên thảm cỏ, sơn dầu trên vải của Claude Monet, kích thước 130x181cm, vẽ năm 1865, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Orsay, Paris

Khung cảnh rộng lớn và rực rỡ của một buổi dã ngoại mùa xuân. Trong khu rừng bạch dương đầy sắc nắng, dưới tán cây, các cô gái thời thượng xúng xính trong các bộ váy trắng hồng cam sang trọng và những người đàn ông lịch thiệp đang bày ra bữa trưa của mình. Khác hoàn toàn với cách thức gây sốc ở tác phẩm của Manet khi vẽ một cô gái khỏa thân giữa hai nhà tư sản, các cô gái trong tranh của Monet thật kín đáo nhưng không kém phần vui tươi. Các nhà phê bình mỹ thuật cho rằng, việc Monet nhấn mạnh đến các cô gái này, chính là ông đã chữa lỗi cho Manet, để ban giám khảo có thể dễ chấp nhận hơn với một đề tài về đời sống hằng ngày, mà thông qua đó mục đích chính của ông lại là diễn tả cảm xúc về ánh sáng. Cảnh sắc trung thực nhưng đồng thời tính chất cổ điển trong cách thức diễn đạt cũng đã ít nhiều bị giảm bớt. Không còn là sự chờn vờn mịn màng, Monet nhấn mạnh đến sự tương phản của ánh sáng trong bóng râm và tạo nên sự rực rỡ nhất định trên sắc mặt các cô gái hướng mắt về phía người xem. Bảy người đàn ông, mỗi người một phong thái, còn các cô gái dường như cũng rất hân hoan. Đặc biệt là màu trắng đã được Monet vẽ ra một cách tài tình trên váy các cô, rồi tấm ga trải trên cỏ như một phần của nắng để tạo ra không khí mới, đối ứng với màu xanh đa sắc trên những lá cây. Những nhát màu bắt đầu được nhìn thấy như một thành tố, mà các nhà phê bình cho rằng, là nguồn cơn cho Monet sau này phát triển, tạo ra cách thức riêng để diễn tả không gian, ánh sáng làm chủ đề chính của hội họa Ấn tượng.

Trở lại với tác phẩm cùng tên của Edouard Manet, nếu bậc thầy này chịu ảnh hưởng chủ yếu của phong cách cổ điển, thì Monet lại ảnh hưởng bút pháp lãng mạn. Không gian của mùa xuân như vẽ ra cảm xúc dịu dàng, khoáng đạt, đem lại cảm hứng trong trẻo. Thậm chí, ông còn muốn tạo nên sự ganh đua, khẳng định vị thế của hội họa mới khi định vẽ bức tranh này trên khổ toan cực lớn, một chiều 4m và chiều kia hơn 6m, nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được bức tranh rộng 181cm và cao 130cm. Các mảnh toan vẽ còn lại đã trở thành nghiên cứu phác thảo cho từng phần của bức tranh hoàn thiện mà ngày nay mỗi bảo tàng ở châu Âu như Orsay, Puskin Moscow và Bảo tàng Quốc gia Washington D.C giữ một phần. Dẫu rằng các nghiên cứu đó không làm thành bức tranh, nhưng chúng đã đánh dấu cung cách làm việc nghiêm túc của Monet mà sau này những tác phẩm Ấn tượng của ông vẫn tiếp tục duy trì.

Việc vẽ ra những bức tranh cùng chủ đề, cùng địa điểm nhưng khác nhau về sắc thái ánh sáng đã trở thành đặc trưng của Ấn tượng. Phong thái đó đã được tìm thấy từ chính những bức hình nghiên cứu cho tác phẩm Bữa trưa trên thảm cỏ của Claude Monet. Có thể nói, dẫu tác phẩm này không đạt được ý định ban đầu của Monet nhưng nó đã ghi dấu ấn quan trọng cho sự phát triển chặng đường chuyển tiếp từ hội họa cổ điển sang sự phá cách của Ấn tượng.

Trang Thanh Hiền