Bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

- Thứ Tư, 17/07/2019, 08:17 - Chia sẻ
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến nhiều bước tiến tích cực trong nửa đầu năm nay, với khối lượng phát hành tăng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, đáng chú ý là có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, lên đến 12 - 14%/năm. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình, nếu có bất thường hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh.

Quy mô thị trường vượt mục tiêu của Chính phủ

Báo cáo của VEPR cho biết, 6 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 89.483 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 10,22% GDP năm 2018 - vượt mục tiêu đạt 7% GDP vào năm 2020 mà Chính phủ đề ra. “Trong tương lai với sự suy giảm của tăng trưởng tín dụng và huy động vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục được mở rộng”, VEPR dự báo.

Trong nửa năm nay, đã có nhiều thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. Nhóm ngành ngân hàng phát hành nhiều nhất - khoảng 17.600 tỷ đồng, trong đó VPBank phát hành 5.600 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,4 - 6,9%/năm. Nhóm bất động sản đứng thứ 2 trong tổng số giá trị phát hành trái phiếu, với những thương vụ của Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh…

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua phát triển tương đối nhanh, chủ yếu là phát hành của các tập đoàn tư nhân lớn, và chủ yếu phát hành riêng lẻ cho đối tác, không phải phát hành ra công chúng.

Đáng chú ý, trong văn bản gửi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoReA) cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng. Ngoài việc mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, hoặc tìm kiếm nguồn vốn trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản đang lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn. “Trong 5 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên đến 16.230 tỷ đồng, chiếm 27% tổng giá trị trái phiếu đã phát hành, đứng vị trí thứ hai. Thậm chí, có doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao lên đến 12 - 14,5%/năm, cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm”, HoReA thông tin.

Thấy bất thường, phải lưu ý

Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy nhu cầu của các nhà đầu tư đối với công cụ này rất lớn. Về phía doanh nghiệp, họ cũng “thích” phát hành trái phiếu hơn là đi vay ngân hàng. Bởi ngoài mục tiêu là huy động được đủ số vốn thì trái phiếu còn có một ưu điểm khác là thủ tục phát hành đơn giản hơn rất nhiều so với một hồ sơ vay vốn ngân hàng thương mại. Hơn nữa, trái phiếu được xem là một công cụ đầu tư (chứng khoán) nên các yêu cầu về kiểm soát dòng tiền cũng như mục đích sử dụng vốn có phần thoáng hơn so với khoản vay từ các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, tại một số công ty, quy mô nợ tăng trưởng nhanh là thách thức rất lớn đối với quản trị doanh nghiệp. Chỉ cần vốn vay được sử dụng không đúng thời điểm, không đúng dự án là có thể dẫn đến rủi ro về hiệu quả kinh doanh.

Mới đây, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc đến thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, từ 12 - 14%/năm và nêu vấn đề: Các ngân hàng thương mại có mua không hay chỉ các nhà đầu tư tư nhân? Mặt bằng lãi suất có bị ảnh hưởng không?  “Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo việc này”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bước tất yếu để giảm phụ thuộc vào kênh vốn của ngân hàng thương mại. “Doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà họ phát hành được thì tốt, tăng vốn cho nền kinh tế, nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan lưu ý các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu khi đây không phải là kênh cần khuyến khích hiện nay, đang cần dẫn vốn đúng mục tiêu, liều lượng phù hợp.

Trước đó vào đầu tháng 7, tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế là thành viên cũng đề nghị Chính phủ có đánh giá sát hơn thị trường bất động sản hiện nay, trong đó có việc các doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng có thể tác động tới các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Hà Lan