5 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013

Bước phát triển mới về chất

- Thứ Hai, 16/09/2019, 08:00 - Chia sẻ
Hiến pháp năm 2013 là một bước phát triển về chất, vừa kế thừa giá trị của các bản Hiến pháp trước đây, vừa tiếp thu được các thành tựu Hiến pháp của nhân loại, thoát ra khỏi tư duy pháp lý dai dẳng trong nhiều thế hệ. Đó chính là chuyển từ tư duy hành chính, cái gì cũng phải xin cho sang cơ chế chủ động, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Hiến pháp năm 2013 LÊ MINH THÔNG đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về 5 năm thi hành Hiến pháp 2013.

Hiến pháp ngự trị trong đời sống hàng ngày


 Tư tưởng kiểm soát quyền lực đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946. Đến Hiến pháp năm 1992, tư tưởng này được thể hiện, nhưng chưa cụ thể. Chỉ đến Hiến pháp năm 2013, chúng ta mới xác định rõ, quyền lực của Nhà nước của nhân dân, nhân dân trao quyền thì quyền đó phải được kiểm soát. Điều này khẳng định tính tất yếu, thuộc tính căn bản của quá trình thực thi quyền lực, không có kiểm soát quyền lực thì việc thực thi quyền lực không đạt mục tiêu.

Hiến pháp 2013 cũng nhận diện rõ vị trí của từng thiết chế quyền lực trong bộ máy nhà nước, đó không đơn giản là chuyện xưng danh. Cụ thể, QH là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; chúng ta định vị rất rõ và cụ thể hóa bằng những thẩm quyền cụ thể, từ đó thay đổi mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực theo 4 yếu tố cấu thành trong tổ chức quyền lực của nước ta là thống nhất, phân công, phối hợp và kiểm soát.

Nguyên tắc tổ chức quyền lực này vừa tiếp thu giá trị phổ quát của phân công, kiểm soát quyền lực trên thế giới, nhưng lại khác với các nước tam quyền phân lập vì chúng ta không chấp nhận sự đối trọng, không cho phép sự phân liệt. Phân công để phối hợp cho tốt, phối hợp để kiểm soát cho tốt.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Hiến pháp năm 2013 Lê Minh Thông

- Là người từng trực tiếp tham gia soạn thảo Hiến pháp năm 2013, ông đánh giá thế nào về 5 năm thực hiện bản Hiến pháp này?

- Hiến pháp năm 2013 là một bước phát triển mới về chất, vừa kế thừa giá trị của các bản Hiến pháp trước đây (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992), vừa tiếp thu được các thành tựu Hiến pháp của nhân loại, thoát ra khỏi ràng buộc của tư duy pháp lý dai dẳng trong nhiều thế hệ. Đó chính là chuyển tư duy hành chính cái gì cũng xin - cho sang cơ chế chủ động, tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Hiến pháp năm 2013 được xã hội tiếp nhận hào hứng, nồng nhiệt. Tinh thần của Hiến pháp 2013 đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và trở thành một yếu tố quyết định văn hóa pháp lý. Người dân làm gì cũng căn cứ vào Hiến pháp và sử dụng Hiến pháp như một công cụ bảo vệ quyền của mình. Hiến pháp 2013 đã và đang từng bước ngự trị trong đời sống hàng ngày.

- Ông có nhắc đến sự thay đổi trong văn hóa pháp lý qua việc thực thi Hiến pháp 2013. Nên hiểu khái niệm này như thế nào cho chuẩn xác, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, cả một thời kỳ rất dài, chúng ta đã quen với việc Hiến pháp, pháp luật muốn đi vào đời sống phải thông qua tầng tầng, lớp lớp các văn bản. Người ta nhớ tới thông tư, văn bản dưới luật nhiều hơn là nhớ luật. Luật không được cụ thể hóa bằng nghị định, nghị định không cụ thể hóa bằng thông tư, thông tư không cụ thể hóa bằng chỉ thị, công văn thì rất khó đến được với người dân. Người ta cũng thường viện dẫn theo thông tư, quyết định, nghị định, chứ chưa hẳn đã viện dẫn theo luật. Đó là một tư duy pháp lý cũ, rất nặng nề mà chúng ta đang từng bước khắc phục một cách kiên trì, nhẫn nại thông qua thực thi Hiến pháp 2013.

Hiến pháp 2013 đã đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi đích thực của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, đề cao chủ quyền nhân dân, dân chủ trực tiếp; phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước; quyền con người, quyền công dân được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm; xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nếu Hiến pháp năm 1992 chỉ ghi nhận quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân, thì Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14)... Đồng thời đưa quyền con người, quyền công dân từ vị trí thứ 5 (Chương V) trong Hiến pháp năm 1992 lên vị trí thứ 2 (Chương II) trong Hiến pháp năm 2013, đây không thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức, thể hiện một bước tiến vô cùng lớn, khẳng định, quyền con người, quyền công dân không thể hạn chế tùy tiện mà phải “theo quy định của luật”. Quyền con người, quyền công dân lúc này cũng chi phối toàn bộ tư duy làm luật của chúng ta. 

Còn nhiều việc phải làm

- Kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp được nhận định vô cùng ấn tượng, với hàng loạt đạo luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành theo tinh thần Hiến pháp 2013. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc phát huy giá trị của Hiến pháp dường như chưa thực sự đồng đều, thưa ông?

- Các cơ quan nhà nước ý thức rất rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong triển khai thi hành Hiến pháp. Bằng chứng là chúng ta đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính - vấn đề mấu chốt, quan trọng giữa mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Chúng ta đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà. Tiếc rằng, công việc này vẫn chưa diễn ra đều ở các bộ, ngành, địa phương. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Sẽ là rất khó vì thủ tục hành chính gắn với quyền hạn, lợi ích, đâu đó vẫn còn bộ phận cán bộ, công chức luyến tiếc, níu giữ cơ chế xin - cho, hoặc tìm cách “thay tên, đổi họ” các quy định để ẩn đi câu chuyện lợi ích, quyền lực.

Cho nên, trong kế hoạch thực thi Hiến pháp, UBTVQH đã sớm giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, nhằm xử lý, hủy bỏ các văn bản trái với Hiến pháp. Dù chưa có báo cáo cụ thể, nhưng có thể thấy, vẫn đang tồn tại một số văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp.

- Tới đây, làm thế nào để tiếp tục phát huy được giá trị của bản Hiến pháp năm 2013, thưa ông?

- 5 năm qua, chúng ta phấn khởi với thành tựu đạt được, nhưng cũng không thể thỏa mãn. Con đường thi hành Hiến pháp năm 2013 còn dài, còn nhiều việc phải làm để tư tưởng của Hiến pháp được cụ thể hóa, thực thi trọn vẹn trong đời sống xã hội. Nói một cách nôm na, thì một bản Hiến pháp hay nhưng nếu không được xã hội đồng lòng, không được các cấp, các ngành vào cuộc thì tư tưởng đó có lẽ chỉ... “nằm trên giấy”. Tôi cho rằng, phát huy giá trị của Hiến pháp phụ thuộc vào hành động của mỗi người. Hiến pháp không tự nó làm ra thay đổi, Hiến pháp thay đổi hành vi thông qua những quyết sách, quyết định của cơ quan, tổ chức và của mỗi người. Công việc tiên quyết vẫn phải là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp năm 2013, coi đây là công việc thường xuyên, liên tục, hàng ngày, hàng giờ, để giúp mỗi người dân khi hành động, hãy nghĩ xem hành động đó có hợp hiến, hợp pháp hay không - Đây cũng chính là lối sống văn minh, hiện đại cần có trong nền kinh tế thị trường. Thực tế mọi quyết định táo bạo, mạnh bạo cũng đều dựa trên nền tảng người dân biết mình làm gì và không được làm gì.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện