Buôn lậu vảy tê tê là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

- Thứ Tư, 19/02/2020, 21:44 - Chia sẻ
Ngày 19.2, tin từ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) cho biết: Tổ chức Wildlife Justice Commission (WJC) vừa công bố Báo cáo “Scaling Up: The Rapid Growth in the Trafficking of Pangolin Scales (2016 - 2019)” (Tạm dịch: Quy mô buôn bán vảy tê tê nhanh giai đoạn 2016 - 2019). Theo đó, nạn lậu quy mô lớn đang đẩy loài này đến bờ vực tuyệt chủng phải được coi là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chúng ta phải sử dụng các kỹ thuật điều tra tiên tiến để giải quyết hiệu quả.

Báo cáo kết hợp phân tích dữ liệu các vụ bắt giữ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 1.1.2016 đến 31.12.2019 và kết quả điều tra riêng của WJC để vẽ lên bức tranh toàn diện về động lực tội phạm và xu hướng buôn bán vảy tê tê xuyên quốc gia. WJC tập trung vào các cuộc điều tra và tin tức thu thập được về nạn buôn lậu vảy tê tê - vốn được săn lùng để sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, mặc dù cho đến nay không có bằng chứng khoa học nào về dược tính.

Phân tích của WJC tập trung vào tình trạng buôn lậu để xác định các quốc gia trọng tâm (bao gồm cả vai trò lớn của Nigeria và Việt Nam), các tuyến buôn lậu, phương thức vận chuyển và giá trị bán ra của vảy tê tê. Kết quả cho thấy, khối lượng bị buôn lậu gia tăng đáng kể và nhanh chóng do các mạng lưới tội phạm có tổ chức thúc đẩy. Ước tính khoảng 206,4 tấn vảy tê tê nhập lậu đã bị tịch thu trong giai đoạn 2016 - 2019 qua 52 vụ bắt giữ. Phân tích dữ liệu thu giữ cho thấy tình trạng buôn lậu gia tăng ở mức độ chưa từng có: gần 2/3 số lượng vảy bị thu giữ (132,1 tấn) đã được phát hiện trong hai năm qua (2018 - 2019). Chỉ tính riêng năm 2019, trọng lượng trung bình một lô hàng vảy tê tê lên tới 6,2 tấn, so với 2,2 tấn của ba năm trước đó.

Giám đốc Thông tin của WJC Sarah Stoner cho biết: “con số trên chỉ là một phần nhỏ trong tổng số vảy tê tê bị buôn bán, vì có khả năng một tỷ lệ đáng kể các vụ buôn lậu không bị phát hiện”. Cách tiếp cận điều tra của chúng tôi bổ sung một khía cạnh trong việc định lượng quy mô buôn lậu do thông tin chúng tôi thu thập được liên quan đến việc dự trữ vảy tê tê (hơn 16 tấn trong ba năm) chỉ ở Việt Nam - ngoài các vụ bắt giữ được ghi nhận mà chúng tôi đã phân tích,”

Báo cáo của WJC cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa buôn bán ngà voi và vảy tê tê cùng ý nghĩa của hoạt động này trong bối cảnh phạm tội. Do giá trị ngà voi giảm, các mạng lưới tội phạm có tổ chức đã chuyển đổi loại hàng hóa buôn lậu và phải vận chuyển các lô hàng lớn để duy trì tỷ suất lợi nhuận. Giá trị mỗi kilôgam vảy tê tê thấp hơn ngà voi.

Từ thực tế trên, báo cáo nêu rõ: Tội phạm có tổ chức trong động vật hoang dã không cố định ở một loài cụ thể nào mà hướng đến hàng hóa có giá trị cao và lợi nhuận. Các mạng lưới sẽ chuyển sang một loài khác nếu loài đó mang lại lợi nhuận tốt. Để giải quyết vấn đề này hiệu quả, chúng ta phải xử lý tội phạm động vật hoang dã có tổ chức từ góc độ tội phạm, cũng như từ khía cạnh xuyên quốc gia của nó, thay vì chỉ tập trung vào nó ở cấp quốc gia.

Trần Hải