Ủy viên bộ chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ:

Bứt phá để về đích

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:24 - Chia sẻ
Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ nhấn mạnh, nếu năm 2018 là năm “bản lề” thì năm 2019 phải “bứt phá” để về đích, để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2016 - 2020.

2018 - có “của ăn của để”

- Năm 2018 được xem là một năm đất nước gặt hái nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội. Đâu là những nguyên nhân cơ bản để đạt được những kết quả như vậy, thưa Phó Thủ tướng?

- Năm qua, lĩnh vực kinh tế đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra và là mức tăng cao nhất trong 11 năm qua. Tăng trưởng GDP gấp đôi chỉ số tăng giá tiêu dùng càng làm cho tăng trưởng thêm ý nghĩa. Tăng trưởng kinh tế toàn diện cả ở hai mặt “cung - cầu”. Cung toàn diện ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Còn ở phía cầu, sức mua thị trường trong nước tăng trưởng trên 2 con số, tăng hơn 11% - mức tăng mà nhiều năm trước ta khó đạt được. Thu ngân sách vượt hơn 100 nghìn tỷ ở cả Trung ương và địa phương, vượt thu cả thu nội địa và xuất khẩu... Như vậy, chúng ta có “của ăn của để”. Đây là minh chứng thuyết phục cho tỷ lệ tăng trưởng 7.08%.


Ảnh: Lâm Hiển

Không chỉ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới mà năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Nổi bật là nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng là khoảng 40,23%, trong khi cả giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 33,58% và mục tiêu kế hoạch 5 năm là 30 - 35%.

Vốn đầu tư công “ra” ít hơn, tín dụng tăng ít, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm mà tăng trưởng GDP vẫn cao, điều này bắt nguồn từ những động lực tăng trưởng bền vững của đất nước là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và sức mua của thị trường trong nước. Ngoài ra, còn nhờ năng suất lao động cũng có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và với mức tăng gần 6% trong năm 2018, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN.

Để có được kết quả này, tôi cho rằng chúng ta đã kế thừa được những thành quả quan trọng của 2 năm 2016 - 2017, xa hơn nữa là thành tựu của 30 năm Đổi mới trên cơ sở kiên trì và quyết liệt thực hiện các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, của mỗi công nhân trong công xưởng, mỗi nông dân trên đồng ruộng.

- Thưa Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông còn có  những hạn chế gì của nền kinh tế cần phải được tập trung khắc phục?

- Về cơ bản các chỉ tiêu kinh tế quan trọng năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế như sức ép lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô còn lớn. Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương còn chậm. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

Tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ). Sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục.

Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp…


Ảnh: Lê Tiên

Đây sẽ là những thách thức, tồn tại mà chúng ta cần tiếp tục tập trung tháo gỡ trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển bền vững trong thời gian tới.

2019 - năm bứt phá

- Phó Thủ tướng có thể chia sẻ gì về phương châm “bứt phá” mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho năm 2019?

- Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã xác định phương châm hành động 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hàng động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Có người hỏi vì sao năm 2019 phải bứt phá và bứt phá như thế nào? Theo tôi, nếu năm 2018 là năm bản lề thì năm 2019 phải bứt phá để về đích, để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2016 - 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương là năm 2019 phải khá hơn năm 2018 về mọi phương diện.

Đường hướng đã rất rõ ràng, mục tiêu đã rất cụ thể. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có nỗ lực vượt bậc, ý chí quyết tâm, tinh thần bứt phá, nhất là trong tổ chức thực hiện ở mọi ngành mọi cấp, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phải tạo động lực và áp lực trách nhiệm lên từng cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong năm 2019.

- Vậy về cơ bản, thưa Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ phải làm những gì để có thể thực hiện được thành công các nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước?

- Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ đã đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, gồm 45 nhóm vấn đề, triển khai cụ thể thành 188 đề án. Tựu chung lại vẫn là chủ trương phát huy vai trò của công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, chế biến, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, triển khai các giải pháp tận dụng các mô hình của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Một trong những định hướng quan trọng, có sức lan tỏa chính là phát triển các đô thị, trở thành các cực tăng trưởng có tính lan tỏa. Trong đó, có những đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Năm qua, hai đô thị này đã hết sức cố gắng và đều đạt tăng trưởng cao hơn tăng trưởng trung bình của cả nước. Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2018 vừa qua đã nhấn mạnh việc phát triển đô thị thông minh, đặc biệt phát triển khu Đông của thành phố. Tôi cho rằng đó là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong các nhiệm vụ, giải pháp cần bắt tay vào làm ngay.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Thành Nam - Lê Tùng thực hiện