Các ban HĐND tỉnh cần được tăng cường cả về nhân sự và điều kiện hoạt động

- Thứ Năm, 28/02/2013, 08:34 - Chia sẻ
Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Nam Định do PHÓ CHỦ TỊCH TRẦN LƯƠNG BẰNG trình bày tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ Năm

Các ban HĐND tỉnh có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của HĐND. Nhiệm vụ của các ban là tham gia chuẩn bị nội dung các kỳ họp HĐND, thực hiện chức năng tham mưu cho HĐND tại kỳ họp; thẩm tra các báo cáo, đề án do HĐND hoặc Thường trực HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, TAND, VKSND cùng cấp chuẩn bị; giúp HĐND giám sát cơ quan nhà nước, tổ chức KT - XH, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản QPPL của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp.

Là một trong những tỉnh đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, Nam Định đã có chuyển biến mới về mô hình tổ chức hướng tới nâng cao chất lượng hoạt động của các ban HĐND tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, các ban HĐND tỉnh cần được tăng cường cả về nhân sự và điều kiện hoạt động để đủ sức cùng Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp giám sát UBND, VKSND, TAND các huyện (theo Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 16.1.2009 của UBTVQH về điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND tỉnh nơi thí điểm). Từ thực tiễn hoạt động của các ban HĐND tỉnh Nam Định, chúng tôi rút ra một số kết quả, kinh nghiệm về mô hình tổ chức và một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các ban HĐND tỉnh.

Thực trạng tổ chức và hoạt động của các ban HĐND tỉnh

HĐND tỉnh đã thành lập 3 ban: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Pháp chế. Mỗi ban có 9 thành viên (tăng 4 đại biểu/ ban so với nhiệm kỳ trước). Trong đó, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách hoạt động chuyên trách, các ban còn lại Trưởng ban đều là Thường vụ tỉnh ủy, hoạt động kiêm nhiệm. Lãnh đạo chuyên trách mỗi ban có 2 đại biểu (mỗi ban tăng 1 người so với nhiệm kỳ trước). Các ban HĐND cấp tỉnh được bố trí 2 chuyên viên tham mưu, giúp việc. Cơ cấu các thành viên trong các ban được xây dựng theo hướng đều có lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo ban của Đảng, lãnh đạo đoàn thể và lãnh đạo các huyện tham gia.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các ban HĐND tỉnh đã chủ động trong hoạt động của mình, giúp HĐND tỉnh có những căn cứ, thông tin quan trọng để quyết định tại các kỳ họp. Cụ thể: chủ động xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên; xây dựng kế hoạch công tác hàng năm. Triển khai kế hoạch giám sát những nội dung trọng tâm, những lĩnh vực cần quan tâm, giám sát thẩm tra các đề án trình tại kỳ họp. Trung bình mỗi năm các ban HĐND thực hiện 6 đợt giám sát; chủ trì và phối hợp với UBMTTQ tỉnh, các ban ngành của tỉnh để nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, có ý kiến với cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Các ban đã thẩm tra và có ý kiến phản biện với các dự thảo nghị quyết phát triển KT - XH, ANQP hàng năm và những dự thảo nghị quyết mang tính định hướng, lâu dài. Đầu nhiệm kỳ vừa qua, các ban HĐND tỉnh đã thẩm tra và giúp HĐND tỉnh ban hành 33 nghị quyết là văn bản QPPL, trong đó lĩnh vực KT - NS 22 nghị quyết, lĩnh vực VH - XH 3 nghị quyết; lĩnh vực pháp chế 8 nghị quyết.

Các hoạt động giám sát, thẩm tra của Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã nâng cao vai trò hoạt động của Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết cơ quan cấp  tỉnh với cơ sở, giữa người đại diện với cử tri, từ đó tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Số lượng đại biểu thành viên của các ban được tăng cường đã giúp cho việc nghiên cứu, chuẩn bị nội dung các kỳ họp HĐND tỉnh có chất lượng hơn.

Các ban đã được trang bị cơ sở vật chất,  thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết; bố trí xe đi công tác và các chế độ bồi dưỡng theo đúng quy định. (Theo Nghị quyết số 10/2012/NQ-HĐND, ngày 7.12.2012 của HĐND tỉnh về một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Nam Định)

Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn còn những khó khăn vướng mắc, đó là: việc phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các Phó ban chuyên trách trong một ban chưa cụ thể trong quản lý điều hành hoạt động của ban. Hoạt động của các ban HĐND còn theo lối mòn; tính chủ động xây dựng kế hoạch giám sát chưa cao. Tính chủ động trong mối quan hệ giữa các ban HĐND tỉnh với các cơ quan thuộc lĩnh vực phụ trách chưa được chú trọng, ban chưa phát huy vai trò chủ động, còn các cơ quan thì chưa tạo điều kiện tốt nhất để các ban HĐND hoạt động. (Ví dụ: chưa thành nền nếp mời các ban HĐND dự hội nghị sơ kết, tổng kết của ngành). Một số thành viên trong ban hoạt động kiêm nhiệm, là lãnh đạo chủ chốt của ngành nên chưa dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động giám sát thẩm tra; còn nặng tâm lý e dè, nể nang, ngại va chạm trong các hoạt động giám sát, thẩm tra, nhất là những vấn đề, nội dung liên quan đến ngành mình, đơn vị mình. Các thành viên là lãnh đạo các huyện hầu hết chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của ban.

Một số giải pháp, kiến nghị

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban HĐND, trước hết cần có cơ chế để các ban HĐND tỉnh chủ động trong hoạt động điều hành. Cần thành lập các phòng chuyên môn giúp việc các ban HĐND tỉnh. Có cơ chế động viên thành viên kiêm nhiệm các ban HĐND tham gia các hoạt động của ban; đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động của thành viên các ban HĐND vào kỳ họp cuối năm. Xây dựng quy chế hoạt động cụ thể của các ban HĐND tỉnh, của trưởng, phó, thành viên các ban; chế độ hội họp, khen thưởng, kỷ luật của các ban. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện sự điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban; tạo lập mối quan hệ chặt chẽ với Văn phòng, giữa ban HĐND với các cơ quan thuộc UBND tỉnh.

Thực tế cũng đặt ra yêu cầu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND cho phù hợp với thực tế theo hướng xác định ban HĐND là một cơ quan thuộc HĐND tỉnh. Tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Sớm nghiên cứu ban hành Luật Giám sát của HĐND để tạo lập những quy định, chế tài cụ thể về thẩm quyền, phạm vi giám sát và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong hoạt động giám sát của HĐND. Có hướng dẫn chi tiết hoạt động của cán bộ, chuyên viên tham mưu giúp việc của Văn phòng đối với các ban HĐND tỉnh.