Bảo vệ môi trường nông thôn:

Các cấp hội đã vào cuộc

- Thứ Năm, 01/10/2020, 11:09 - Chia sẻ
Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng, hệ thống tổ chức của Hội Nông dân thời gian qua không ngừng đổi mới công tác truyền thông vận động làm cho hội viên, nông dân có nhận thức đầy đủ, có thái độ đúng đắn và hành vi tốt trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Với 80% diện tích toàn quốc, 67% dân số sống trên địa bàn nông thôn, thời gian qua địa bàn nông thôn Việt Nam đã phấn đấu và đạt được nhiều chuyển biến tích cực Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đem lại những thay đổi tích cực về đời sống, cơ sở hạ tầng cũng như cảnh quan môi trường nông thôn. Tuy nhiên, song hành cùng với sự phát triển là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ chất thải của các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và sự tác động từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị lân cận đã làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường không khí, nước, đất bị ô nhiễm và có xu hướng gia tăng...

Thực tế, còn hiều nơi phát triển “nóng” như sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chưa theo hướng sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ và công nghệ cao, cùng với đó là việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng còn tương đối phổ biến… đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nông thôn. Cụ thể, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng hơn 10.000 tấn bao gói, chai lọ có hàm lượng độc chất cao và khó tái chế, sử dụng. Ngoài ra cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.

Nhiều vùng nông thôn do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã làm ô nhiễm môi trường
Nhiều vùng nông thôn do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã làm ô nhiễm môi trường

Cả nước có khoảng 20.869 trang trại chăn nuôi trong tổng số 33.488 trang trại nông nghiệp, khoảng 7,9 triệu hộ chăn nuôi, hơn 35.000 cơ sở giết mổ. Trong khi các biện pháp xử lý chất thải phổ biến hiện nay là ủ phân, bán phân làm phân bón chiếm 55%, công trình khí sinh học (bioga) 10%, có khoảng 55% số cơ sở chăn nuôi ủ và bán phân làm phân bón…

Bên cạnh đó, 2.009 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó, có nhiều làng nghề chưa được đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ thực vật, chất thải rắn, chất thải khí chưa được xử lý triệt để gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường gây ô nhiễm đến môi trường không khí, nước. Đấy là chưa nói đến chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày tại khu vực nông thôn, nước thải phát sinh khoảng 6,2 triệu m3/ngày/đêm.

Nhờ có sự chung tay vào cuộc của các cấp Hội Nông dân nên không khí môi trường nhiều vùng nông thôn rất trong lành
Nhờ có sự chung tay vào cuộc của các cấp Hội Nông dân nên không khí môi trường nhiều vùng nông thôn rất trong lành

Các cấp của Hội Nông dân đã sử dụng đa dạng, sáng tạo các hình thức truyền thông như tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và vận động thực hiện các qui ước, hương ước của cộng đồng dân cư. Các cấp của Hội cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo như biểu dương những gương điển hình tiên tiến và những mô hình hiệu quả, phản ánh kịp thời những bức xúc cần giải quyết về môi trường; trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quản lý chất thải cho nông dân. Hình thành ý thức trách nhiệm, tự  giác trong quản lý chất thải rắn ở nông thôn và đô thị.

Các cấp của Hội Nông dân đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, ngành tài nguyên và môi trường tổ chức mít tinh phát động phong trào thi đua yêu nước: “Hãy hành động vì môi trường nông thôn xanh - sạch- đẹp”, “Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học”, diễu hành, huy động lực lượng, ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải và chất thải ở nông thôn và trên đồng ruộng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã kiên trì tuyên truyền vận động “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin,  làm phải có chất lượng và hiệu quả” về bảo vệ môi truờng. Đưa nội dung quản lý chất thải rắn vào nội dung hội thi “Nhà Nông đua tài”; tổ chức các cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật bảo vệ môi trường” theo hình thức sân khấu hoá với nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp bản sắc văn hóa từng địa phương, giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ, tạo phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Nhiều tổ chức cơ sở Hội đã phối hợp với các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị dịch vụ, các trường học...để thu gom rác thải ở cộng đồng dân cư và trên đồng ruộng; đưa nội dung quản lý chất thải rắn vào nội dung sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, diễn đàn, tham vấn, tư vấn, đối thoại. Nhờ có các hoạt động trên của các cấp Hội nên môi trường nông thôn nhiều nơi đã trở lại xanh- sạch- đẹp như xưa.

Bảo Ngân