Cơ chế luận tội người đứng đầu hành pháp ở Mỹ

Các kịch bản có thể xảy ra

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 09:41 - Chia sẻ
Trong khi cuộc điều tra luận tội vẫn đang được xúc tiến, các nhà phân tích đã dự đoán các kịch bản có thể xảy ra đối với tiến trình này cũng như tác động của nó đối với chính trường nước Mỹ.

Cuộc điều tra luận tội thành công

Tại Hạ viện, Đảng Dân chủ có 235 dân biểu, Đảng Cộng hòa có 198 dân biểu. Với đa số dân biểu Dân chủ, Hạ viện sẽ thông qua kiến nghị điều tra luận tội Tổng thống trễ nhất vào tháng 11.

Sau đó, Thượng viện sẽ thảo luận về cáo trạng của Hạ viện và 100 thượng nghị sĩ sẽ biểu quyết tuyên án. Hiện tại đảng Cộng hòa đang chiếm số tại Thượng viện với 53 thượng nghị sĩ, Dân chủ có 45 thượng nghị sĩ và 2 thượng nghị sĩ độc lập luôn ủng hộ Dân chủ.

Trong trường hợp có ít nhất 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa và 2 nghị sĩ độc lập ủng hộ luận tội, thì phe Dân chủ đã tập hợp đủ 67 phiếu (2/3 thượng nghị sĩ) để tuyên án và bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump.

Đây là kịch bản xấu nhất đối với Tổng thống. Trong quá khứ kịch bản này đã xảy ra với Tổng thống Richard Nixon năm 1974. Nixon rất được dân chúng yêu chuộng, nhưng sau đó ông mất mọi hậu thuẫn vì cuộc điều tra Watergate trong Quốc hội. Cáo buộc chống lại Tổng thống Richard Nixon đã được thông qua, nhưng ông từ chức năm 1974 trước khi bị luận tội tại Thượng viện.

Tờ Washinton Post phỏng đoán trong trường hợp, ông Donald Trump giống như cựu Tổng thống Nixon phải từ chức vì áp lực trong và ngoài đảng Cộng hòa quá lớn,  Phó tổng thống Mike Pence sẽ là tân Tổng thống và bà Nikki Haley, nguyên Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nhiều khả năng trở thành Phó Tổng thống.


Các thành viên đảng Cộng hòa tập trung tại cuộc họp báo tại Quốc hội 
Ảnh: Reuters

Cuộc điều tra luận tội thất bại ở Thượng viện

Nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConell, lãnh tụ đa số Cộng hòa trong Thượng viện có một vai trò quan trọng trong cuộc điều tra luận tội. Với vai trò của mình như là một tiếng nói quyết định, ông McConell tuyên bố tiếp nhận cáo trạng của Hạ viện và tổ chức phiên họp luận tội cho có. Trong trường hợp này các thượng nghị sĩ Dân chủ cuối cùng không đạt được 2/3 phiếu cần thiết để kết án và bãi nhiệm tổng thống.

Kịch bản này xảy ra tương tự ở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Dân chủ Bill Clinton vào năm 1998. Ông Clinton bị phe Cộng hòa cáo buộc cản trở công lý và gian dối lời khai trong vụ bê bối tình ái với thực tập sinh Monica Lewinsky. Nhưng ông Bill Clinton đã không bị kết án tại Thượng viện nhờ sự bảo vệ của các thượng nghị sĩ Dân chủ.

Nỗ lực luận tội ông Bill Clinton của đảng Cộng hòa phản tác dụng: tỷ lệ ủng hộ Tổng thống sau cuộc điều tra luận tội gia tăng trong khi phe Cộng hòa chịu tổn thất nặng nề trong cuộc bầu cử sau đó. Hai năm tại vị cuối cùng của Tổng thống Bill Clinton lại là khoảng thời gian ấn tượng nhất của ông. Ông đã giải phóng Kosovo khỏi người Serbia và được cho là có công làm kinh tế Mỹ bùng nổ. Khi rời chức, ông là một trong những tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử Mỹ. Kịch bản này có thể sẽ lặp lại với Tổng thống Donald Trump với việc ông giành nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Cuộc điều tra luận tội thất bại ngay tại Hạ viện

Đảng Dân chủ có thể thất bại ngay ở cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện vì không đạt được đa số phiếu như dự kiến. Hoặc Thượng nghị sĩ Cộng hòa McConell tuyên bố Thượng viện ngưng cuộc luận tội Trump vì đa số thành viên Thượng viện thông qua nghị quyết bác bỏ phiên xử mà theo họ là vô giá trị. Ngoài ra đảng Dân chủ còn có nguy cơ mất mặt trong các cuộc biểu quyết vì nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu cho kiến nghị của Cộng hòa.

Đây sẽ là kịch bản xấu nhất đối với phe Dân chủ bởi họ sẽ chứng kiến sự chia rẽ và mất mặt khi chính các đảng viên Dân chủ lại bỏ phiếu ủng hộ Cộng hòa. Trong trường hợp này, Tổng thống Donald Trump nhiều hy vọng tái thắng cử trong cuộc bầu cử 2020.

Vũ Quỳnh