Cách ly để phòng, chống dịch hiệu quả

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:25 - Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong bối cảnh dịch nCoV hiện đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì cách ly là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn, phòng chống dịch.

Thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng

Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, hiện Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng. Thứ nhất là các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh, được cách ly tại các cơ sở y tế. Thứ hai là các công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc, Trung Quốc về Việt Nam lập tức được cách ly ở các cơ sở tập trung do UBND tỉnh, thành phố chỉ định. Thứ ba là những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam được cách ly tại gia đình.


Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch nCoV tại tỉnh Hà Giang
Nguồn: ITN

“Hiện số người nhập cảnh chỉ có người Việt Nam, không có người nước ngoài. Toàn bộ người Việt Nam từ vùng dịch trở về nước đều được cách ly tại các khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng... Đây là một trong những điểm Việt Nam làm rất triệt để” -  Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, qua tổng kết các ca khỏi ra viện cho thấy, các bệnh viện đã thực hiện tốt việc cách ly người bệnh ngay từ đầu, theo đúng quy trình. Các bệnh viện tổ chức tốt công tác điều trị tại chỗ; phối hợp tốt các chuyên khoa trong bệnh viện để điều trị các bệnh kèm theo của người bệnh. Các bệnh viện kiểm soát lây nhiễm tốt, không để lây nhiễm sang nhân viên y tế, cộng đồng, nhờ đó giúp Cục Quản lý Khám, chữa bệnh bổ sung cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

Liên quan đến bệnh nhân thứ 13 trở về từ Vũ Hán, ngày 7.2 mới có thông báo dương tính với nCoV, các chuyên gia cho biết, mặc dù ca bệnh được xét nghiệm dương tính lâu hơn 14 ngày kể từ khi có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên có thể đó là ca bệnh nhẹ triệu chứng không rõ ràng, chưa có kết quả xét nghiệm trong vòng 14 ngày, chứ không phải là khi đó họ chưa nhiễm bệnh.

“Do đó, Bộ Y tế đã “siết” chặt hơn tiêu chuẩn với người cần được cách ly để khoanh vùng, cô lập các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV hiệu quả hơn. Cụ thể, trước đây chỉ cách ly với người tiếp xúc gần với ca bệnh, nhưng quy định mới đã nêu rõ, người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ cũng được cách ly tại nhà” - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương TS. Trần Như Dương cho biết.

Bảo đảm phối hợp trong cách ly ca bệnh

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho hay, theo kinh nghiệm từ các vụ dịch như cúm A/H1N1, hay SARS, việc phát hiện sớm các ca bệnh tại cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt mặc dù rất cần thiết, nhưng thực ra không nhiều (thậm chí có những trường hợp uống thuốc hạ sốt để đánh lừa cơ quan kiểm dịch để được nhập cảnh và không phải cách ly). Thực tế nữa là có những trường hợp mắc bệnh nhẹ không chịu đến cơ sở y tế để khai báo hoặc điều trị đặc biệt và không thực hiện các biện pháp cách ly theo dõi nCoV.

Ngoài các biện pháp khai báo, phát hiện và cách ly bệnh nhân (nếu có) tại cửa khẩu thì việc phối hợp giữa cơ sở điều trị và dự phòng rất quan trọng trong việc điều tra dịch tễ học tìm hiểu nguồn lây, đường lây và phát hiện những ca mắc bệnh mới sớm để cách ly, nhằm tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Về vấn đề này, ngoài sự cố gắng của ngành y tế, thì cần có sự phối hợp chặt chẽ các ngành như công an, biên phòng, du lịch... Đặc biệt là sự hợp tác, tự giác của người dân khi mình có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như đi từ vùng dịch về, bản thân đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc mình đang nghi ngờ mắc bệnh.

TS. Trần Như Dương cho biết, cán bộ y tế tại địa phương phải tổ chức điều tra, lập danh sách người cần cách ly (ghi nhận thông tin về địa chỉ gia đình, nơi lưu trú, số điện thoại cá nhân, tên và số điện thoại của người thân khi cần liên hệ); cung cấp số điện thoại của cơ quan y tế cho người được cách ly và gia đình, người quản lý nơi lưu trú, hướng dẫn người được cách ly cách sử dụng và tự đo nhiệt độ cơ thể và theo dõi sức khỏe; hướng dẫn thành viên trong gia đình người được cách ly theo dõi nCoV và người quản lý nơi lưu trú cách thức khử trùng nơi ở.

Đối với trường hợp tự cách ly ở nhà (nơi cư trú) nên ở phòng riêng. Nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly theo dõi nCoV nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly; hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác...

“Hiện tại, Việt Nam cũng như các nước vẫn áp dụng quy định thời gian cách ly theo dõi nCoV tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam” - TS. Trần Như Dương cho biết thêm.

Dương Cầm