Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11

Cái nhìn đa chiều về cuộc sống đang biến đổi

- Thứ Ba, 29/09/2020, 14:31 - Chia sẻ
22 bộ phim tài liệu của 10 quốc gia châu Âu và Việt Nam mang tới cái nhìn đa chiều về cuộc sống đang biến đổi từng ngày, từng giờ. Thông qua các bộ phim tài liệu, khán giả có dịp tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam cũng như của các nước châu Âu.

Phản ánh nhiều vấn đề xã hội

“Hơn 10 năm, qua 10 kỳ Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam, hàng trăm bộ phim tài liệu đã đến với khán giả. Những bộ phim đã tái hiện cuộc sống một cách chân thực, sinh động. Ở mỗi bộ phim có cách nhìn và sự thể hiện khác nhau, nhưng đều với mong muốn góp phần đưa các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn”. Đó là mở đầu của Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tại họp báo Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11, sáng 29.9. Liên hoan phim do Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức.

Họp báo giới thiệu Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 sáng 29.9

Liên hoan năm nay quy tụ 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 10 phim quốc tế của 10 quốc gia: Áo, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Italy, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Séc, Anh, và 12 phim Việt Nam (10 phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và 2 phim của các tác giả độc lập). Các bộ phim tài liệu nhằm mang tới cái nhìn đa chiều về cuộc sống đang biến đổi từng ngày, từng giờ, thông qua cách tiếp cận vấn đề xã hội.

Như bộ phim “Xưa kia có một cậu bé” của đạo diễn Uri Levi do Israel giới thiệu kể câu chuyện về một gia đình phải đối diện với thách thức lớn lao khi một trong những người con của họ bị bại não. Nhân vật của phim là Ron - một cậu bé thông minh, đầy năng lượng sống nhưng không may căn bệnh bại não ngày càng hạn chế cử động của cậu. Cuộc vật lộn của gia đình Ron bắt đầu, họ đưa ra quyết định táo bạo: Tới Mỹ để tiến hành cuộc phẫu thuật phức tạp cho con. 62 phút phim cho thấy những cách tiếp cận khác nhau đối với cuộc sống, cũng như sức mạnh đáng kinh ngạc để sống với bệnh tật.

Một bộ phim khác dẫn tới cuộc tranh luận đã khiến những người đưa ra quyết định chính sách cũng như người dân châu Âu lo ngại từ nhiều năm nay, đó là sự biến mất của không gian cá nhân trong thời đại tư bản số. “Dân chủ - Trong cơn cuồng phong dữ liệu số” của đạo diễn Đức David Bernet theo chân 5 nghị sĩ EU tại Brussels trong các nỗ lực lập pháp trong khoảng 2 năm. Bộ phim khám phá lợi ích gây tranh cãi của các chủ thể khác nhau và mang tới cái nhìn sâu sắc về quy trình chính trị ở cấp EU, từ soạn thảo văn bản tỉ mỉ cho các báo cáo, thông qua quá trình đàm phán chính thức và không chính thức, đến bỏ phiếu trong các ủy ban khác nhau...

Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 quy tụ 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc
Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 quy tụ 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc

Câu chuyện về làn sóng nhập cư cũng được đặt ra, nhìn nhận một cách trực diện. Chẳng hạn, bộ phim hoạt hình “Cô bé” của đạo diễn gốc Việt Diana Nguyễn Cẩm Vân nói về một cô bé người Việt lớn lên tại thị trấn nhỏ ở châu Âu. Cô bé luôn phải vật lộn với hiện thực rằng cô “khác biệt” - khác biệt trong thị trấn, khác biệt trong chính gia đình. Khi cô thích ứng với điều đó thì chính là lúc gia đình cô đưa ra quyết định quay về Việt Nam. Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Vítězslav Grepl nhận định từ bộ phim: “Ai sẽ đi? Ai sẽ ở lại? Ai sẽ coi ở đây là ở nhà? Những câu hỏi liên quan đến di cư luôn thường trực khắp nơi. Đây cũng là đề tài đang rất nóng trong cộng đồng người Việt sống tại Cộng hòa Séc. Đó là cách để bộ phim tài liệu này và nhiều bộ phim khác trong Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam nói lên vấn đề xã hội bằng ngôn ngữ riêng của nó”.

Những kết nối đáng suy ngẫm

Phim tài liệu diễn giải về thế giới theo lối cá nhân và nhìn nhận mọi thứ từ gốc rễ, từ đó tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi, vấn đề đặt ra. Theo Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen, bộ phim năm nay Bỉ mang tới cũng mang cách nhìn như thế. Phim tài liệu “Nhà tắm công cộng”, do Kita Bauchet đạo diễn, kể câu chuyện ở khu Marolles ngay giữa Thủ đô Bruxelles. Gần 65 năm sau ngày khánh thành, “Nhà tắm công cộng Bruxelles” vẫn hoạt động với 2 bể bơi và các phòng tắm dành cho cư dân của khu vực bình dân này. Đó là những con người thuộc lứa tuổi, gốc gác và giai tầng khác nhau. Bộ phim chỉ quay trong khuôn viên bể bơi xung quanh khiến cho cảm giác, ấn tượng hay các cảnh huống trong phim mang đến một cái nhìn tưởng như bình đẳng nhưng ẩn chứa nhiều phức tạp hơn thế.

Một cảnh trong phim "Nhà tắm công cộng"
Cảnh trong phim "Nhà tắm công cộng"

Chủ đề về bình đẳng giới cũng được soi chiếu trong hai bộ phim của Pháp và Thụy Sĩ. Với “Nữ thần ẩm thực”, đạo diễn Pháp Vérane Frédani đã đi nhiều quốc gia để gặp gỡ các đầu bếp nữ, những người có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp, kể câu chuyện “đấu tranh” của họ để khẳng định mình trong các lĩnh vực vốn dành cho nam giới. Còn “Đường lên dốc núi cheo leo” của đạo diễn người Thụy Sĩ Caroline Fink đi từ câu chuyện cứ gần 1.300 hướng dẫn viên leo núi làm việc tại Thụy Sỹ chỉ có chưa đầy 40 người là nữ. Bộ phim theo chân một người trong số họ để cho thấy cách mà phụ nữ đã phải vượt qua trong môi trường làm việc đa số là nam giới để thực hiện ước mơ và đam mê.

Khán giả cũng bắt gặp nhiều câu chuyện con người qua các bộ phim Việt Nam. Chẳng hạn, “Những ngả đường sáng tối” kể về hành trình của các kỹ thuật viên chuyên đi thu nhận giác mạc từ những người hiến tặng sau khi qua đời để ghép cho những người mù lòa. “Âm vang mái nhịp hò khoan” nói về các nhân vật có chung đam mê, tâm huyết với “Hò khoan Lệ Thủy”. Hay “Người mẹ” của tác giả Đoàn Hồng Lê kể về hành trình tìm con của bà Nguyễn Thị Đẹp, phim “Cống ngầm” của Nguyễn Hương Na là câu chuyện của một công nhân công ty thoát nước hằng ngày lao động giữ vệ sinh cho thành phố...

Có thể thấy, nối kết chặt chẽ trong 22 bộ phim được lựa chọn, trình chiếu trong Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần này là lối tiếp cận sâu vào đời sống con người, văn hóa. Như nhận định của Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Nguyễn Quang Tuấn: Thông qua từng nhân vật, câu chuyện cụ thể, các thước phim diễn tả sự vận động xã hội tác động đến từng cá nhân như thế nào, và cách mỗi người đối diện với cuộc sống ra sao. Các bộ phim của Liên hoan mang lại những kết nối đáng suy ngẫm và giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới mình đang sống...

Liên hoan được tổ chức từ ngày 1-10.10, tại Hà Nội (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, số 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và tại TP Hồ Chí Minh (Trường Đại học Hoa Sen, số 8 Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, Quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Thái Minh