Luật Đầu tư (sửa đổi):

Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư có chọn lọc

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:13 - Chia sẻ
Trước dự báo Việt Nam chuẩn bị đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài được xem là yêu cầu cấp bách. Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín kỳ vọng sẽ tạo bước tiến trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong nước 

Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bổ sung quy định có tính nguyên tắc về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thể chế hóa quan điểm, giải pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hiệp định song phương về đầu tư.

Theo đó, Điều 9, Luật sửa đổi quy định, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp các ngành, nghề trong Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục này gồm 2 nhóm: nhóm ngành, nghề đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và nhóm ngành, nghề đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

Khoản 3, Điều 9, Luật mới quy định, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời quy định Chính phủ quy định chi tiết điều này.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đánh giá, quy định theo cách tiếp cận này sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư trong nước theo hướng minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh nước ta đang tận dụng cơ hội nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi các nước có xu hướng chuyển dịch đầu tư như hiện nay. Căn cứ Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ biết chưa được làm gì và có thể đầu tư vào lĩnh vực nào để thực hiện các thủ tục đầu tư. Trên cơ sở đó khắc phục tình trạng các nhà đầu tư phải tự tìm hiểu, tự tra cứu các nội dung rất phức tạp ở các văn bản, từ các cam kết đến những điều luật thực tiễn đặt ra tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cách tiếp cận này có thể làm phát sinh bất cập và nhiều việc hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình rà soát các văn bản liên quan để bảo đảm không bỏ sót, không gây xung đột, mâu thuẫn giữa các luật. Cách tiếp cận này cũng sẽ dẫn đến nhiều phức tạp, gây chậm trễ, kéo dài quá trình xử lý thủ tục, làm mất lòng tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cần quy định rõ hơn tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng như thời gian thực hiện thủ tục và cách xử lý khi xảy ra xung đột giữa các luật, nhằm tạo môi trường thu hút nhà đầu tư một cách thuận lợi hơn và quản lý đầu tư nước ngoài chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã quy định căn cứ để Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có thời điểm công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thu hút đầu tư có chọn lọc 

Luật Đầu tư (sửa đổi) đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng: Khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới, sáng tạo; sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Luật đã giao Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này. Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn nhằm khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Thực tế, thời gian qua nước ta đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài và đã thu hút nhiều hơn nguồn lực từ nước ngoài. Tuy nhiên, các ưu đãi cũng bộc lộ nhiều bất cập như hệ thống chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ; tính minh bạch, đơn giản của các quy định chưa cao, còn chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Theo ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết, bên cạnh việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi đối với thu nhập doanh nghiệp làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo khe hở cho doanh nghiệp lợi dụng giảm thuế phải nộp gây nên tình trạng bất công bằng trong động viên thuế giữa các đối tượng. Chính sách ưu đãi không ổn định nên doanh nghiệp không tự tính trước được hiệu quả kinh doanh trung và dài hạn, cũng là nguyên nhân hạn chế thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, phải tạo chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện khó khăn, các vùng kinh tế tác động lan tỏa cao. Đồng thời, mức ưu đãi khác nhau, không cào bằng như nhau giữa các địa bàn và đối tượng

Nhiều ĐBQH khác cũng nhấn mạnh, quy định về đối tượng được ưu đãi đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, tránh tràn lan để phát triển theo định hướng, phát triển các vùng có điều kiện khó khăn, các vùng kinh tế có tác động lan tỏa.

Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16, dự thảo Luật được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước. Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế). Đối tượng, ngành nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…

Bên cạnh quy định về các ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư, Điều 16, Luật Đầu tư (sửa đổi) còn quy định: “Căn cứ ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều này, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư và Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, xác định ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Góp ý về nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ: Chính phủ cần có quy định chi tiết Danh mục phải bảo đảm nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển trên từng địa bàn, tránh áp dụng tràn lan. Theo phân tích của đại biểu, ưu đãi đầu tư có thời hạn trên cơ sở kết quả dự án, ngành, nghề này luôn có khả năng tạo ra giá trị cao; nhà đầu tư được hưởng ưu đãi sẽ thúc đẩy hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ổn định cho ngân sách.

Nhật An