Hướng tới tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân

Cải thiện toàn diện đời sống người dân

- Thứ Năm, 12/09/2019, 08:44 - Chia sẻ
Sau 10 năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, huyện Thanh Oai đã có những bước đổi thay vượt bậc. Năm 2019, huyện phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và năm 2020 về đích huyện NTM. Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Hà chia sẻ: “Dù là mục tiêu như thế nào thì đích đến của Thanh Oai vẫn là cải thiện toàn diện đời sống của người dân”

Đồng bộ hạ tầng kỹ thuật 

 Theo kế hoạch, năm 2019 huyện Thanh Oai phấn đấu đưa 3 xã cuối cùng về đích NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đến năm 2020 về đích huyện NTM và có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, huyện đã hoàn thành 8/9 tiêu chí huyện NTM, còn 1 tiêu chí về môi trường đã cơ bản đạt. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung củng cố các tiêu chí xã NTM và huyện NTM để bảo đảm tiêu chí đạt có chất lượng cao nhất.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà

Trong tất cả những thay đổi mà NTM mang lại cho các địa phương, có lẽ sự thay đổi lớn nhất và người dân được hưởng lợi nhiều nhất đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đối với huyện Thanh Oai, trong 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và đời sống cho người dân, phù hợp với nhu cầu sử dụng và nguồn lực huy động.

Theo chân cán bộ huyện, chúng tôi được đến thăm các tuyến đường làng, ngõ xóm, các công trình trường học, nhà văn hóa khang trang, hiện đại. Trường Mầm non Dân Hòa (xã Dân Hòa) là một trong những điểm đến để lại nhiều ấn tượng. Không còn là 7 điểm trường nằm rải rác trong các khu dân cư, Trường Mầm non Dân Hòa nay khang trang, hiện đại. Trường được phân thành nhiều khu riêng biệt: Bếp, chức năng, y tế, 17 phòng cho hơn 700 trẻ. Thiết bị dạy học hiện đại, đa chức năng cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên năng động, nhiệt huyết, đã mang lại cho trẻ em nơi đây không gian học tập và sinh hoạt thoải mái, bảo đảm sức khỏe và trí lực. Ban Giám hiệu nhà trường và các cán bộ giáo viên chia sẻ rằng: Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hàng loạt công trình dân sinh được đầu tư, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Chúng tôi không còn phải vất vả mượn tạm nhà văn hóa rồi tận dụng nhà dân để dạy trẻ như trước nữa. Vui nhất là điều kiện học tập và sinh hoạt của các con được tốt hơn. 

Theo thống kê của UBND huyện Thanh Oai, đến nay, 100% đường trục liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng được bê tông, cứng hóa; hệ thống kênh mương được cải tạo, nâng cấp, các trạm bơm cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, chủ động các hoạt động tưới tiêu của người dân; các công trình điện nông thôn được đầu tư, bảo đảm 100% số hộ có điện thắp sáng và sản xuất thường xuyên, an toàn. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục, văn hóa và y tế được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại. Đến nay, toàn huyện có 50 trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên và con em học sinh trên địa bàn. 115/118 thôn, tổ dân phố đã được xây dựng nhà văn hóa, trong đó có 65 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, 10 năm qua, nhân dân ở các xã, thị trấn đã tích cực đóng góp tiền, công lao động làm đường bê tông nông thôn, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động thiết thực như xây dựng gia đình văn hóa, thôn, cơ quan văn hóa; giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng với tổng số tiền hơn 526 tỷ đồng.


Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên địa bàn huyện Thanh Oai có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao
Ảnh: Đào Cảnh

Đột phá phát triển nông nghiệp

Vốn là huyện thuần nông, Thanh Oai luôn xác định lĩnh vực nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Theo đó, công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn đổi được hơn 5.100ha đất, góp phần khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún. Sau DĐĐT, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống nông dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Oai hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh đem lại giá tri kinh tế không nhỏ. Điển hình như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa tại các xã Bình Minh, Tam Hưng, Thanh Thùy, Đỗ Động, Dân Hòa, Tân Ước, Thanh Văn, Hồng Dương, với tổng diện tích trên 3.000ha; vùng trồng cam canh ở Kim An diện tích 130ha, bưởi ở xã Thanh mai diện tích 70ha, bình quân thu nhập 700 - 800 triệu đồng/ha/năm; rau an toàn ở Kim An, thị trấn Kim Bài cho giá trị thu nhập đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Các sản phẩm nông sản của người nông dân được công nhận thương hiệu tập thể như: Nếp cái hoa vàng xã Tam Hưng, gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, cam đường xã Cao Viên, Kim An, lợn sạch Hoàng Long, trứng vịt lộn Liên Châu, giò chả, bánh chưng, nem chua Tân Ước đã mang lại nguồn lợi kinh tế và cuộc sống khá giả cho người dân. Đặc biệt, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã có hiệu quả bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có chỗ đứng trên thị trường góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, đối với vùng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Thanh Oai tập trung phát triển theo hướng hiện đại, sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học. Đơn cử, thực hiện Dự án bò BBB từ năm 2014 đến năm 2019, đã có 5.891 lượt con bò được lai tạo; hay như mô hình nuôi cá trắm, cá chép lai theo công nghệ vi sinh không thay nước ở các xã: Thanh Mai, Tân Ước, Liên Châu… Ngoài ra, có một số mô hình hiệu quả khác như: Nuôi ba ba ở xã Liên Châu, nuôi cá chép theo hướng hữu cơ ở xã Hồng Dương, nuôi cá rô phi đồng nguồn gốc Philippines ở xã Thanh Thùy... Các mô hình này đã đem lại thu nhập trung bình 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/mô hình.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, nhờ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân ở Thanh Oai đạt 40,5 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2019 đạt 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,42% năm 2010 xuống còn 2,30% năm 2018.

Phấn đấu đạt huyện NTM năm 2020

Năm 2011 khi bắt đầu triển khai chương trình, huyện chưa có xã nào đạt và cơ bản đạt NTM. Đến nay, toàn huyện có 17/20 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019 là Bích Hòa, Cao Viên và Thanh Mai. Huyện Thanh Oai đặt mục tiêu đến năm 2020 về đích huyện NTM.

 Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Hà khẳng định: “Dù là mục tiêu như thế nào thì đích đến của Thanh Oai vẫn là cải thiện toàn diện đời sống của người dân”. Do đó, trong thời gian tới, Thanh Oai tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất vùng chuyên canh tập trung ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa sản xuất đạt giá trị cao trên diện tích đất canh tác. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,  phát triển dịch vụ - thương mại, công nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với xây dựng NTM, trên cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng đảm bảo chặt chẽ đồng bộ theo quy hoạch.

Chủ tịch UBND huyện cũng đề nghị từng cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp thực sự là người làm chủ trong xây dựng NTM.

ĐÀO CẢNH