Cân bằng học tập và cuộc sống

- Thứ Hai, 17/02/2020, 08:17 - Chia sẻ
Theo chính sách mới của Bộ Giáo dục Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), giờ đây học sinh của hơn 250 trường công lập ở nước này đã chính thức không phải làm bài tập về nhà để “tận hưởng cuộc sống tốt hơn”.

Giải quyết hết bài tập trên lớp

Cụ thể là, bắt đầu từ tuần này, bài tập về nhà đã bị bãi bỏ ở 23 trường công lập của Dubai và 233 trường ở Abu Dhabi. Ở UAE, trường công được mở miễn phí cho tất cả trẻ em trong nước. Học sinh nước ngoài cũng được nhận vào học nhưng phải trả phí. Giờ đây, thay vì phải làm bài tập ở nhà, thường là dưới sự giúp đỡ của bố mẹ, các trường sẽ phân bố giờ học trên lớp sao cho các em có thể hoàn thành hết bài học dưới sự giám sát của giáo viên.

Theo sáng kiến “Thời gian tối ưu của tôi” nói trên của Bộ Giáo dục UAE, sẽ không có giờ nghỉ giữa các tiết học. Mỗi tiết học sẽ kéo dài 90 phút, trong đó bao gồm cả giảng dạy, thúc đẩy tinh thần học tập và các hoạt động nhóm thực tế. Độ dài của ngày học không thay đổi. Học sinh sẽ được dành ra 2 đến 3 tiếng mỗi tuần để hoàn thành bài tập, vốn đáng ra phải làm ở nhà.

Với chính sách mới, các em sẽ không để lãng phí thời gian ở trường khi tập trung học bài hơn, có thêm thời gian cho các hoạt động khác và gia đình sau giờ học. Ông Kamal Kalwani, Giám đốc điều hành của trường tư Ambassador Education ở Dubai cho rằng: “Trẻ em phải được tận hưởng cuộc sống và ở tất cả các cấp học, bài tập phải làm ở trường chứ không phải ở nhà”. Bài tập nhiều không chỉ gây áp lực lên học sinh mà bản thân các bậc phụ huynh cũng phải vật lộn không kém để kèm con. Có người phải lộn từ đầu thành phố này sang đầu thành phố khác chỉ để đưa con đi học thêm. Ông Graham Beale, Hiệu trưởng trường Arcadia School ở Dubai cũng có ý kiến tương tự: “Chúng tôi cảm thấy bọn trẻ rất mệt khi về nhà trong khi phụ huynh thường xuyên than là bài tập về nhà của con mình thật sự quá áp lực. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, nếu có thể giải quyết bài tập ngay tại trường, không chỉ học sinh mà bố mẹ các em cũng sẽ có thêm thời gian cho gia đình. Khi về nhà, họ có thể tập trung xây dựng những mối quan hệ gia đình bền chặt hơn”.

Một số quốc gia khác, điển hình là Phần Lan, đã gặt hái nhiều thành công trong giáo dục khi giao ít bài tập về nhà hơn. Những người khởi xướng chính sách này lập luận, điều đó cho phép các em có thời gian suy nghĩ, phát triển tư duy sáng tạo cũng như tăng cường hoạt động vui chơi ngoài trời. Giáo dục ở UAE đang học tập theo xu hướng tiến bộ đó sau khi nước láng giềng Bahrain thông báo cấm giao bài tập về nhà năm 2018.

Băn khoăn vẫn còn

Nhìn chung, những thay đổi mới được khá nhiều phụ huynh hoan nghênh, cho dù không ít người vẫn lo ngại rằng, con em họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để xem tivi hoặc chơi game. Chưa hết, một số chuyên gia giáo dục cũng đánh giá, động thái của Bộ Giáo dục UAE chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho nữ sinh hơn nam sinh. Theo TS. Natasha Ridge, người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu chính sách Sheikh Saud bin Saqr Al Qasimi, “tại UAE, chúng tôi gặp vấn đề về sự chênh lệch thành tích học tập giữa nam và nữ, trong đó nữ sinh thường vượt trội hơn hẳn”. Một phân tích về Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA), do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế biên soạn năm ngoái, cũng cho thấy khoảng cách không nhỏ trong thành tích học tập của học sinh nam và nữ ở độ tuổi 15. Trong đó, UAE có khoảng cách lớn thứ hai về khả năng đọc hiểu giữa hai giới, vì học sinh nữ hơn tới 57 điểm so với nam theo thang điểm của PISA.

Vì vậy, TS. Ridge cho biết, câu hỏi đặt ra không phải là nếu học sinh làm bài tập về nhà, mà là các trường học sẽ giúp học sinh bị tụt lại phía sau hoặc không thể theo kịp tốc độ học tập trên lớp như thế nào.

Như đã đề cập ở trên, theo quyết đinh mới của Bộ Giáo dục UAE, một số bài học sẽ được gộp lại không có giờ nghỉ giải lao khiến cho các môn như tiếng Ảrập, tiếng Anh, toán, khoa học hay thiết kế và công nghệ kéo dài tới 90 phút. Điều đó khiến nhiều người nghi ngờ về tác động của nó đối với học sinh nam. Vì thời gian nghỉ ít đi khiến các em không còn nhiều cơ hội vận động trên trường và sẽ không muốn hoạt động sau khi hết giờ trên lớp. Theo TS. Ridge, thực tế này sẽ càng khiến các nam sinh học tập kém hơn, nhất là khi 90 phút mỗi môn là khoảng thời gian khá dài, rất khó tập trung. Ông cho rằng các trường nên thu thập dữ liệu, theo dõi kết quả của học sinh, đồng thời đo lường tác động của chính sách đối với điểm số của các em.

Năm 2006, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, Mỹ, đã xem xét các nghiên cứu về việc giao bài tập về nhà từ năm 1987 - 2003. Họ kết luận rằng, số lượng bài tập vừa phải có ảnh hưởng tích cực đến thành tích của học sinh, trong khi quá nhiều bài tập về nhà có tác động ngược lại. Fiona McKenzie, người đứng đầu Tổ chức Giáo dục Carfax Education, cho biết một số trường xem bài tập về nhà như một phần mở rộng của việc học vì nó dạy trẻ em trở thành người học độc lập, có tư duy học tập suốt đời. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là “cướp đi” thời gian của học sinh sau một ngày dài trên lớp. Cô nói: “thay vì có thể ra ngoài chơi và phát triển kỹ năng, các em lại phải dính vào bàn học. Điều này thực sự rất căng thẳng”. Theo Fiona, các gia đình có thể áp dụng chiến lược học tập sáng tạo. Chẳng hạn đưa các em đi mua sắm cùng và tương tác với con về nguồn gốc sản phẩm chúng mua…

Ý kiến này đã đươc nhiều giáo viên của UAE đồng tình. Một giáo viên tại một trường công lập ở Dubai cho hay, học trò của ông thường có nhiều động lực hơn khi được yêu cầu thực hiện các dự án sáng tạo thay vì được yêu cầu làm bài tập về nhà.

Ngọc Minh