Cần bổ sung, chỉnh sửa bất cập trong Nghị định 48/2016

- Thứ Bảy, 29/10/2016, 07:51 - Chia sẻ

Với chủ đề Kết quả bước đầu hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết, tham luận của các địa phương đã đánh giá cao ý nghĩa to lớn của Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong việc khẳng định và nâng cao vị thế, quyền lực của HĐND. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng bộ máy và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Tham luận của các địa phương cũng đã nêu bật được những kết quả sau gần một năm thực hiện, đó là bộ máy HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được kiện toàn thêm một bước, tăng cường về số lượng và nâng cao hơn về chất lượng; các hoạt động tiếp tục có những đổi mới, đi vào chiều sâu và đã thu được những kết quả tích cực.


Ảnh: Chí Tuấn 

Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới, báo cáo tham luận của các địa phương cũng nêu lên nhiều bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời như: Chưa ban hành Quy chế hoạt động của HĐND nên việc thực hiện ở các địa phương còn có những điểm lúng túng và thiếu thống nhất. Trong quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có một số nội dung cần được hướng dẫn làm rõ thêm: Xây dựng quy chế phiên họp của Thường trực HĐND các cấp, từng địa phương tự xây dựng hay nên có quy chế mẫu từ Trung ương để vận dụng cho thống nhất; mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới (Thường trực HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, Thường trực HĐND cấp huyện với cấp xã). Theo Luật thì HĐND cấp trên không phải cơ quan lãnh đạo HĐND cấp dưới; song trong thực tế hoạt động rất nhiều nội dung liên quan HĐND cấp dưới cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Do vậy, cần có văn bản hướng dẫn hoạt động, phối hợp công tác của hệ thống cơ quan dân cử (trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ QH với HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp trên với HĐND cấp dưới trực tiếp…).

Về cơ quan Văn phòng HĐND, tất cả các địa phương đều cho rằng, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND được tăng cường về quyền lực, về đội ngũ cán bộ chuyên trách ở Thường trực, các ban HĐND; nhưng theo Nghị định 48/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 của Chính phủ, Văn phòng HĐND lại bị co hẹp lại, không được nâng tầm tương xứng để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và không phù hợp thực tế hiện nay ở các địa phương.

Trước thực trạng trên, chúng tôi đề nghị: UBTVQH sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn Quy chế hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015; UBTVQH, Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương sớm có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn của các địa phương như đã nêu để bảo đảm hoạt động thống nhất và có hiệu quả của HĐND ở các địa phương; bổ sung, chỉnh sửa những bất cập trong Nghị định 48/2016 của Chính phủ về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, theo hướng có các phòng chuyên môn phục vụ các ban HĐND, 2 phòng Tổng hợp và Hành chính - Tổ chức - Quản trị để thực hiện những nhiệm vụ chung (tổng hợp báo cáo, tiếp dân, thông tin tuyên truyền, TXCT, hậu cần...) phục vụ Thường trực, các ban và Văn phòng. Bổ sung những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan Văn phòng HĐND và HĐND cấp huyện và việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, UBND cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Sửa đổi, ban hành một số chính sách về khen thưởng đối với đại biểu và cơ quan HĐND các cấp; quy định chế độ phụ cấp đối với Thường trực HĐND các cấp; các quy định chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cơ quan HĐND, đại biểu HĐND, cán bộ cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND các cấp; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động theo các chuyên đề cho đại biểu HĐND các cấp; đề nghị Ban Công tác đại biểu định kỳ hàng năm tổ chức Hội nghị với Thường trực HĐND tất cả các tỉnh, thành để nghe phản ánh về tình hình hoạt động của HĐND các cấp, những khó khăn, bất cập và kiến nghị đối với UBTVQH và Chính phủ...

Đàm Văn Eng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng
Chí Tuấn ghi