Cần chính sách đột phá phát triển giáo dục đại học

- Thứ Năm, 09/07/2020, 19:39 - Chia sẻ
Giáo dục đại học (GDĐH) đóng vai trò quan trọng tạo sức mạnh quốc gia. Không có nước nào có thể phát triển kinh tế mạnh mẽ nếu không có các trường ĐH sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Bởi vậy, để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cần có chính sách đột phá cho GDĐH trong thời gian tới.

Đó là khẳng định của các đại biểu tại Phiên họp với chủ đề Định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDĐH trong chiến lược giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, do Tiểu ban GDĐH, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức chiều 9.7.

GDĐH
Phiên họp nhằm góp ý về định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDĐH

Nói về giáo dục Việt Nam 10 năm vừa qua, theo các chuyên gia, công tác pháp chế về GDĐH đã phát triển, định hướng cho sự phát triển của cả hệ thống. Điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực GDĐH có Luật Giáo dục (ban hành 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009; thay thế năm 2019), Luật GDĐH (ban hành 2012, sửa đổi, bổ sung 2018) và nhiều đạo luật có liên quan. Hệ thống pháp luật về GDĐH đã được hình thành, ngày càng hoàn thiện, đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

GDĐH
Nhiều đại biểu góp ý về các chỉ số phát triển GDĐH, cơ chế để GDĐH phát triển, vấn đề tự chủ, mạng lưới GDĐH, quốc tế hóa và sự hội nhập quốc tế...

Năm 2020, cả nước có 238 trường (tăng 13 trường so với 2015); trong đó có 66 trường ngoài công lập (tăng 6 trường so với 2015, nâng tỷ lệ trường ngoài công lập lên 27,73%). Có thể nói, mạng lưới các cơ sở GDDH trong cả nước đã ngày càng mở rộng và phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Năm 2010, cả nước có 1.435.887 sinh viên ĐH, năm 2015 là 1.824.328 và năm 2019 là 1.526.111. Qua đó, có thể thấy trong 10 năm qua, quy mô sinh viên chỉ tăng 6% và quy mô này tăng nhẹ trong nửa đầu và giảm nhẹ trong nửa cuối của thập niên...

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung nhìn nhận những bất cập của GDĐH thời gian vừa qua, đồng thời đóng góp vào định hướng phát triển GDĐH thời gian tới, làm rõ các chỉ số phát triển GDĐH, cơ chế để GDĐH phát triển, vấn đề tự chủ, mạng lưới GDĐH, quốc tế hóa và sự hội nhập quốc tế...

PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, Trưởng Tiểu ban GDĐH cho biết, Bộ đang xây dựng Khung chiến lược phát triển GD - ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó có phần GDĐH. Dựa trên các ý kiến tại phiên họp, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện để đưa vào Khung chiến lược, nhằm định hướng phát triển GDĐH nói riêng và hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung.

Ngọc Phương