Cần cơ chế kiểm soát và thích ứng với biến đổi khí hậu

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:31 - Chia sẻ
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, đe dọa sự sinh tồn của con người. Theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ, nếu không có cơ chế kiểm soát và thích ứng thì việc làm trầm trọng thêm hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu là khó tránh khỏi.

Thiệt hại lớn do biến đổi khí hậu

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra trên toàn cầu có xu hướng ngày càng gây bất lợi cho con người. Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng, không những gây nhiều tổn thất to lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp.

Trong đó, những khu vực được xác định sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng đất thấp đồng bằng ven biển thường xuyên bị ngập mặn. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng nước biển dâng cao và thường xuyên sẽ tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây; đồng thời ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhiệt độ trung bình hàng năm của TP Hồ Chí Minh đã tăng gấp đôi so với đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 20oC trong vòng 50 năm qua. Tuy sự tăng cao này là trùng hợp với sự đô thị hóa, nhưng chính nó cũng làm gia tăng cường độ bão, trong đó, TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng bởi 10% các cơn bão vào Việt Nam. Ước tính của ADB cũng cho thấy, trong 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 202 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Các cơn bão mang theo lượng mưa lớn, làm tăng ngập cục bộ, tác động tiêu cực đến hạ tầng cơ sở vật chất, đường sá, giao thông, phương tiện, nhà cửa và tài sản… của người dân thành phố.  

Sớm có cơ chế kiểm soát

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ trái đất nóng lên thêm ít nhất 30oC vào cuối thế kỷ này. Vì vậy, các chính phủ cần phải đưa ra những kế hoạch cụ thể, thực tế để gia tăng nỗ lực của mình đóng góp giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong thập niên tới và đạt mục tiêu không còn khí thải nhà kính vào năm 2050.

Theo xu hướng của thế giới, hiện có 3 nhóm cơ bản để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhóm một là thích ứng bằng việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm thích ứng tốt và tự bảo vệ được trước các nguy cơ tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu. Nhóm hai là giảm nhẹ bằng việc tăng cường các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhóm ba là tăng cường khả năng phục hồi, bằng việc chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng ứng cứu và khắc phục sau thảm họa, nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu và tiếp tục phát triển sau đó.

Tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, chủ trương, chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể là quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, thành phố cũng đang tích cực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và cũng đã nhận lại được những kết quả khả quan. Không dừng lại đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tham gia dự án SPI-NAMA với mục tiêu là phân tích và đề xuất chính sách nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của thành phố, với trọng tâm là các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm dự án tăng cường hiệu quả năng lượng cho tòa nhà cao tầng.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, ngay từ bây giờ, nếu không có cơ chế kiểm soát hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thì việc làm tiến triển và trầm trọng thêm các hiện tượng cực đoan của quá trình biến đổi khí hậu là khó tránh khỏi. Bởi, bên cạnh việc phải thích ứng và chống chọi, khắc phục những hậu quả do thiên tai, điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên gây ra thì với nhu cầu phát triển kinh tế, con người sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu và tất yếu gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Lê Chi