Thị trường cà phê nội địa:

Cần có chiến lược để nhượng quyền “vỉa hè”

- Thứ Hai, 13/07/2020, 18:03 - Chia sẻ
Hiện nước ta đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê thô, trong khi đó, thị trường tiêu thụ nội địa chỉ chiếm chưa đến 10% sản lượng. Sau giai đoạn giãn cách xã hội, khi hoạt động xuất khẩu vẫn chưa hồi phục - đặt ra yêu cầu với các doanh nghệp phải chinh phục thị trường trong nước và cần có những chiến lược nhượng quyền “vỉa hè”.

Còn nhiều tiềm năng

Số liệu thống kê cho thấy, trên 90% sản lượng cà phê thô của Việt Nam hiện nay dùng phục vụ cho thị trường xuất khẩu, chưa đến 10% còn lại để chế biến và tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, trên thế giới, bình quân cứ mỗi người tiêu thụ khoảng 7kg cà phê/năm, còn Việt Nam hiện mới chỉ dừng ở mức 2kg/người. Có thể thấy, đây là cơ hội để mở rộng tiêu thụ cà phê đối với thị trường trong nước, nhất là khi đối tượng yêu thích và uống cà phê tại Việt Nam đang ngày càng tăng mạnh và dịch chuyển sang cả tầng lớp trẻ, giới nữ.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 1 triệu tấn cà phê thô được xuất khẩu, mang lại kim ngạch trên 1,6 tỷ USD, nhưng cũng có nhiều diện tích cà phê bị người dân phá bỏ. Nguyên nhân là do giá cà phê thô hiện chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong nhiều năm qua khiến người nông dân muốn chuyển sang các loại cây trồng khác.

Theo Ủy viên Hiệp hội Cà phê ca cao Phan Minh Thông, hiện nay dịch Covid- 19 dù đã được khống chế ở trong nước nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp nên các mặt hàng xuất khẩu trong đó có cà phê cũng gặp khó. Do đó, các doanh nghiệp lúc này cần tận dụng tối đa và tập trung vào thị trường nội địa với trên 90 triệu dân, điều này vừa có thể gỡ khó trong thời điểm hiện tại cũng như hướng đến thị trường lâu dài, có thể mở rộng sản xuất cho người nông dân cũng như người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 1 triệu tấn cà phê thô được xuất khẩu
6 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 1 triệu tấn cà phê thô được xuất khẩu (Nguồn: ITN)

Tạo ra nhiều mô hình bán lẻ nhỏ gọn

Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood Trần Thanh Hải nhìn nhận, mặc dù nước ta xuất khẩu sản lượng lớn, nhưng thương hiệu cà phê của nước ta trên thế giới vẫn chưa được biết đến. Do đó, cần tăng cường chế biến sâu sẽ giúp gia tăng giá trị cà phê thô gấp nhiều lần, giúp giảm áp lực nguồn cung, kìm đà giảm giá, giúp cho người nông dân cũng như doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Còn chuỗi cà phê Viva Star chọn mục tiêu hướng đến đối tượng khách hàng ở phân khúc bình dân với mô hình bán lẻ nhỏ gọn như mặt bằng 20-30m2, cũng có khi đẩy cả xe ra vỉa hè để bán. Chính vì vậy, việc nhận nhượng quyền thương hiệu này cũng trở nên dễ dàng hơn.

Chị Trần Minh Thúy - người nhận nhượng quyền thương hiệu Chuỗi cà phê Viva Star cho biết, sắp tới sẽ tăng cường nhận nhượng quyền các mô hình bán lẻ cà phê mang đi. Điều này vừa tiết giảm được chi phí, phù hợp với xu hướng của người dân là mang về nhà thay vì ăn uống tại chỗ. Thực tế cho thấy, có nhiều mô hình cà phê thành chuỗi nhưng chưa thực sự nổi bật.

Mặc dù nhượng quyền kiểu “vỉa hè”, chi phí rẻ hơn, nhiều nhà đầu tư dễ tiếp cận hơn song cũng mang lại áp lực lớn cho bên nhượng quyền trong việc kiểm tra, quan sát đơn vị nhận nhượng quyền họ có thực hiện đúng các quy trình và nguồn gốc xuất xứ. Và chỉ cần một cửa hàng làm ẩu, thì lần sau rất có thể khách hàng sẽ không còn mặn mà, chị Trần Minh Thúy cho biết thêm.

Anh Hiến