Căn cứ quan trọng để lựa chọn người tài

- Thứ Năm, 10/10/2019, 08:18 - Chia sẻ
Quy định số 205 - QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền chính là sản phẩm trí tuệ của Đảng ta. Khẳng định điều này, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Hoàng Trọng Hưng cũng nêu rõ, trong bối cảnh các cấp ủy đảng đang triển khai Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, thì việc ban hành Quy định sẽ là một căn cứ quan trọng, góp phần lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín cho nhiệm kỳ mới.

Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế

Những ngày này, một trong những nội dung thời sự được cán bộ, đảng viên và dư luận nhân dân hồ hởi đánh giá cao với nhiều kỳ vọng, đó là việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 - QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Nhiều người ví rằng, Quy định đã thổi một “luồng gió mới” trong công tác cán bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm cao của Đảng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trao đổi với báo chí, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền Hoàng Trọng Hưng cho biết, Quy định 205 là một bước tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như các Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng. Trong Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta nêu rõ yêu cầu: Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã thẳng thắn chỉ rõ tình trạng thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… Việc sử dụng quyền lực được giao phục vụ lợi ích cá nhân, hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Đến Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII, Đảng ta nhấn mạnh: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực được giám sát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.

Trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Trong thời điểm hiện nay, với việc các cấp ủy đảng đang triển khai Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng (trong đó có nội dung chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới), thì việc ban hành Quy định 205 chính là góp phần lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín cho nhiệm kỳ mới.

Quy định 205 là sản phẩm trí tuệ của Đảng ta. Nhấn mạnh điều này, ông Hoàng Trọng Hưng nêu rõ, “chúng ta đã cố gắng cụ thể hóa các hành vi, biểu hiện trong từng điều, khoản để Quy định đi vào cuộc sống nhanh nhất”. Đơn cử, với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định đã đưa ra các chủ thể, tập thể hay cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ, từ đó quy định cái gì được làm, phải làm và không được làm, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, dân chủ, thể hiện rõ ý kiến của tập thể trong việc lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện vào các vị trí công tác. Quy định cũng nêu rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền với 6 hành vi được coi là chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che chạy chức, chạy quyền.

Soi chiếu nội dung Quy định dưới các góc cạnh khác nhau, nhiều ý kiến trong dư luận nhân dân cũng nhận thấy, Quy định 205 còn gắn với xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện nêu gương, đề cao tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của đảng viên. Bằng chứng là Quy định đã nêu rõ cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền không được bố trí những người có quan hệ gia đình như bố mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột không được cùng đảm nhiệm một số chức vụ, như thường trực cấp ủy, trưởng ban tổ chức, kiểm tra, thanh tra, hay cùng một ban cán sự đảng, đảng đoàn. Tương tự, với việc chống “hoàng hôn nhiệm kỳ”, thì người đứng đầu một tổ chức khi có thông báo nghỉ hưu, chuyển công tác, nếu có nhu cầu về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của mình phải báo cáo lên cấp trên và xin ý kiến cấp trên. Rõ ràng và chặt chẽ.

Không thể né tránh

Khẳng định những nội dung trong Quy định 205 là “không thể né tránh”, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Phan Xuân Xiểm nhận định, đây chính là sự quyết tâm của Đảng ta trong việc định hình và chỉ đạo xây dựng Quy định này. Trong Quy định 205 lần này, chúng ta còn có cơ chế khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo, phản ánh hành vi chạy chức, chạy quyền. Cụ thể, có biểu dương, khen thưởng và có cơ chế để bảo đảm an toàn cho người tố cáo, khiếu nại, phản ánh; đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng cơ chế này để thực hiện ý đồ cá nhân. Người có thẩm quyền, có trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin phải xử lý, nếu không xử lý tức là nằm trong hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Tuy nhiên, để Quy định 205 đạt hiệu quả cao trong thực tiễn và khẩn trương đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cũng khẳng định, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo ông Hoàng Trọng Hưng, trước hết, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống chạy chức, chạy quyền thông qua tuyên truyền, quán triệt nội dung Quy định. Nâng cao ý thức tự trọng của người có trách nhiệm, kể cả người có thẩm quyền trách nhiệm và cả nhân sự; chống bôi nhọ, nói xấu nhau, chống thủ đoạn.

Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng để hoàn thiện các quy chế, quy định, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông về công tác cán bộ ở tất cả các khâu. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra phải thể chế hóa thành khung rõ ràng khi xử lý đối với các hành vi đã được nêu trong Quy định.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ. Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh vi phạm, bảo đảm “không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy”. Tăng cường kiểm tra giám sát, thanh tra nội bộ theo chuyên đề, chuyên ngành. Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể có liên quan. Và cuối cùng, về lâu dài, theo ông Hoàng Trọng Hưng, phải xây dựng một môi trường lành mạnh và văn hóa trong công tác cán bộ.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, có cơ sở để tin rằng, Quy định 205 sẽ thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, là một công cụ hữu ích của Đảng ta để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã và đang gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên cũng như dư luận nhân dân.

Ý Nhi