Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cần đúng và trúng

- Thứ Ba, 22/09/2020, 08:54 - Chia sẻ
Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp tổ chức lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025. Đại diện các địa phương cho rằng, muốn chương trình hiệu quả, thiết thực thì sự hỗ trợ cần tránh hình thức, đan xen, chồng chéo.

Doanh nghiệp vẫn chưa thấy… hiệu quả

Dự thảo chương trình đặt ra các mục tiêu: Cung cấp 100% các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan...

Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp (Chương trình 585) cho thấy, đây là chương trình hỗ trợ pháp lý dài hơi nhất từ trước đến nay dành cho doanh nghiệp với sự tham gia của hầu khắp bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế cần phải thấy rõ, không ít doanh nghiệp cho rằng chưa hiệu quả; chưa đúng và trúng vấn đề doanh nghiệp mong muốn. Có rất nhiều lý do lý giải cho thực tế này, tuy nhiên nổi lên nhất vẫn là “những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chủ yếu phát sinh từ thực tế, mà để giải quyết được nó cần có phương án “thực tế”.

Đại diện Sở Tư pháp Bắc Ninh cho biết, mặc dù tỉnh đã ban hành Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhưng các điều kiện bảo đảm thực hiện chưa tương xứng, nhiều hoạt động của Chương trình chưa có điều kiện thực hiện hoặc kết quả chưa cao. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp chưa mặn mà với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã triển khai thực tế tại địa phương. Lý do họ đưa ra là các chương trình này chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp.

Thực tế, các hoạt động của Chương trình 585 chủ yếu dừng lại ở các hoạt động phổ biến kiến thức, thông tin pháp lý thông qua các lớp bồi dưỡng, chuyên đề… hoạt động tư vấn cũng mới chỉ dừng lại ở “ai biết thì đến”. Chính vì thế rất dễ hiểu khi có tình trạng doanh nghiệp cử đại diện (chủ yếu là văn thư, hành chính, thậm chí bảo vệ…) dự các lớp bồi dưỡng pháp luật hơn là chủ doanh nghiệp.

Đồng tình với thực tế nêu trên, Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp Thái Nguyên Đàm Ngọc Huân cho biết, nhiều doanh nghiệp ở địa phương chưa biết đến hoạt động hỗ trợ pháp lý từ phía Nhà nước, đa phần chỉ đến khi có các chương trình cụ thể được triển khai mới biết đến mình có quyền được hưởng. Trong khi đó, nội dung bồi dưỡng kiến thức pháp luật chủ yếu do cơ quan nhà nước đề xuất theo chương trình, kế hoạch thậm chí theo chuyên môn của báo cáo viên mà chưa xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp.

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025

Nói những gì doanh nghiệp cần

Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới 3 hoạt động chính với các mục tiêu cụ thể. Theo đó, Chương trình hướng tới việc cung cấp thông tin pháp lý; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tư vấn pháp luật.

Góp ý vào Dự thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam Phan Trọng Đạt cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có lẽ ít quan tâm nhiều đến vấn đề pháp lý sâu mang tính học thuật như (điểm mới của pháp luật doanh nghiệp, đầu tư, chứng khoán…) mà chỉ tập trung những vấn đề về thuế, lao động, tiền lương…; đặc biệt là các lưu ý cơ bản trong ký kết hợp đồng, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh. Ông Đạt lưu ý, trong thư mời gửi doanh nghiệp cũng không nên ghi gửi chung chung mà nên gửi đích danh giám đốc, người sử dụng lao động.

Ở góc nhìn về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Lê Anh Văn gợi ý, trong giai đoạn mới nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp rất đa dạng trong khi nguồn lực nhà nước hạn chế, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hình thành phòng pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế. Việc giúp doanh nghiệp thiết lập được một mô hình pháp chế trong doanh nghiệp phục vụ cho các hoạt động doanh nghiệp sẽ vô cùng hữu ích và tác dụng lâu dài cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao cho Chương trình.

Đồng tình với các ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Duy Lãm cho rằng, cần đa dạng về cách thức triển khai thực hiện hoạt động, kết hợp phương pháp, hình thức truyền thống với hiện đại. Cùng với việc cung cấp thông tin pháp lý qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các trang web pháp lý, email... là việc giới thiệu bài giảng qua internet, mạng xã hội. Việc cung cấp các thông tin phải cụ thể chi tiết, gắn với sản xuất kinh danh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì các doanh nghiệp này hầu như không có cán bộ pháp chế.

Có thể thấy rằng những góp ý nêu trên đều có xác đáng, tuy nhiên để có thể Chương trình đạt được hiệu quả như mong muốn, trở thành người bạn của doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan cần tổ chức một cuộc đánh giá, khảo sát nhu cầu pháp lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Đình Khoa