Cần giải pháp căn cơ, hiệu quả cho công tác xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp

- Thứ Ba, 14/07/2020, 11:59 - Chia sẻ
Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp, nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã, trong đó có 43 cụm đang hoạt động ổn định. Giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố mới đây cho thấy, mặc dù thành phố và các địa phương quan tâm việc xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung nhằm giảm ô nhiễm môi trường, song đến nay mới có 26 cụm có trạm xử lý nước thải tập trung và hoạt động cũng còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Nhiều khó khăn trong quá trình vận hành

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, hiện nay, có 19/70 cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động ổn định; 5 cụm công nghiệp (CCN) đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa hoạt động chính thức; 2 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng không hoạt động, xả thải thẳng ra môi trường; 44 CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải từ các cơ sở sản xuất trong CCN tự xử lý hoặc thải thẳng ra môi trường.

Qua giám sát cho thấy, việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải đã khó, nhưng duy trì hoạt động còn khó hơn. Huyện Thạch Thất có 7 CCN, nhưng mới có 2 CCN có hệ thống xử lý nước thải (CCN cơ kim khí Phùng Xá và CCN Bình Phú).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, CCN Bình Phú, mặc dù có hệ thống xử lý nước thải, nhưng chưa kết nối thu gom toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực lân cận (công suất xử lý theo thiết kế 600m3/ngày đêm), nên thực tế hiện nay chỉ có 10 đơn vị trong CCN đấu nối, do đó việc vận hành xử lý nước thải sản xuất gây lãng phí và không đủ kinh phí duy trì vận hành. CCN cơ kim khí Phùng Xá đã có hệ thống xử lý nước thải năm 2010 nhưng hiện nay công nghệ lạc hậu, hạ tầng xuống cấp. Trạm xử lý nước thải tại đây được thiết kế chỉ phục vụ xử lý nước thải mạ kim loại của 15 hộ sản xuất mạ trong cụm, còn lại hơn 300 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể sản xuất ngành nghề khác thì không xử lý được nước thải.

Tương tự, huyện Thanh Oai cũng có 4 CCN, nhưng mới chỉ có CCN Thanh Oai xây dựng được trạm xử lý nước thải tập trung. Trạm này có công suất thiết kế 600m3/ngày đêm, tuy nhiên mới hoạt động với công suất khoảng 200m3/ngày đêm. Do thiếu kinh phí vận hành, nên hiện tại nước thải đầu ra của trạm xử lý có một số thông số vượt tiêu chuẩn cho phép.

Lý giải về nguyên nhân trên, Trưởng ban Quản lý dự án Coma18 Bùi Đình Dư (đơn vị quản lý vận hành trạm xử lý nước thải CCN Thanh Oai) cho biết, do đơn giá xử lý nước thải được Sở Tài chính phê duyệt thấp, không đủ chi phí vận hành.

Cần giải pháp tháo gỡ

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng cho rằng, trong giai đoạn đầu phát triển các CCN trên địa bàn, việc thu hút nhanh các nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu của địa phương, nên vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu quy hoạch hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Những CCN đã có trạm xử lý nước thải, ngoài việc chưa xây dựng được quy chế quản lý sau đầu tư, đa phần chủ đầu tư các CCN là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, chưa tự chủ động được kinh phí cho các hoạt động quản lý, nên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại CCN cơ kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất), quản lý vận hành trạm xử lý nước thải tập trung còn giao cho chính quyền cấp xã, cán bộ vận hành chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tránh chồng chéo trong quản lý môi trường tại cụm công nghiệp, thành phố cần khuyến khích việc chuyển đổi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các CCN do UBND cấp huyện, UBND cấp xã đang làm chủ đầu tư sang các doanh nghiệp theo quy định Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và các quy định hiện hành khác của pháp luật có liên quan.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, do cơ chế tài chính, phương thức thu giá dịch vụ xử lý nước thải CCN vẫn đang gặp vướng mắc, không hấp dẫn được các nhà đầu tư nên không kêu gọi được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Vì thế, Sở Công thương sớm hoàn thiện, chỉnh sửa dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2023.

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, trước những bất cập, khó khăn từ thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải tại các CCN, sau đợt giám sát, Ban sẽ kiến nghị với UBND thành phố nghiên cứu giao một cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về môi trường xuyên suốt từ việc nghiên cứu đầu tư, cơ chế đầu tư, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thay vì 3 cơ quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Xây dựng) như hiện nay; đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các sở chuyên ngành, UBND cấp huyện nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực được thành phố phân công. Đặc biệt, UBND thành phố sớm rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bố trí cán bộ có chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật để thực hiện theo dõi, giám sát về bảo vệ môi trường ở các CCN và bố trí cán bộ có chuyên môn quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải.

PHI LONG